Dù làm quan hay làm dân, bản chất vẫn là phải làm mỗi việc cho đúng đắn. Những sai lầm đôi khi đến với con người chỉ là một sợi chỉ mong manh, chỉ một chút thiếu bình tĩnh, một chút thiếu kiềm chế và thiếu chuẩn mực là sai ngay, để rồi “người từ đỉnh cao, người về vực sâu”.
Đọc trong sử sách Việt Nam, có một vị quan khiến tôi vô cùng ấn tượng. Đó là Nguyễn Công Trứ.
Ông có lẽ là một trong những vị quan có lý tưởng nhất quán, độc đáo và thú vị bậc nhất thời xưa. Vốn tính ngang tàng, lều chõng đi thi ông đều bị đánh trượt, phải chăng là vì dám lộ liễu ý tứ “đầu đội trời, chân đạp đất” trong bài thi? Mãi đến năm 1819, Nguyễn Công Trứ mới đậu Giải nguyên, và 41 tuổi mới có chức quan đầu tiên.
Khi làm quan, lý tưởng của ông được thể gói trong một bài thơ đơn giản:
Giữ trong lòng trung ái
Chăm đạo dâu con
Phát triển nông trang
Trừ bỏ dị đoan
Sửa đổi phong tục
Thanh thải tham tàn
Tiến cử tài đức
Giữ nghiêm luật lệ.
Ông hăng hái làm những việc Vua giao, không từ nan bất cứ việc gì và luôn để lại dấu ấn với tài năng đa dạng của mình. Cũng vì cá tính nên đường thăng quan tiến chức của ông thăng trầm, khi làm quan to, khi bị giáng xuống quan nhỏ. Ông bị luân chuyển đi đủ tỉnh từ Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa rồi vào Thừa Thiên, Quảng Ngãi… Ông làm từ quan võ (Tham tán quân vụ), quan văn (Tư nghiệp Quốc tử giám) đến việc lập vùng kinh tế mới (Dinh điền sứ); làm quan to ở cả Bộ hình lẫn Bộ binh.
Khi làm quan ông đặt ra nhà học cho con dân học hành, đặt xã thương ở các làng để quản lý thóc gạo theo giá quy định, ông trị tội cường hào rất nặng để tránh dân oan.
Ông cũng là quan rất thanh liêm. Sử cũ chép Phạm Nguyên Trung, Ngô Huy Phái hối lộ ông. Ông bắt giải cả hai cùng tang vật về phủ Nam Định để xét xử. Thời gian làm Dinh điền sứ, ông nhận tiền gạo của nhà nước cấp phát cho dân nghèo làm vốn khẩn hoang. Sau khi sử dụng, số dư thừa Nguyễn Công Trứ đều mang về nộp lại cho công khố.
Năm 70 tuổi, ông xin từ quan về hưu nhưng Vua Thiệu Trị không chấp thuận. Khi vua Tự Đức lên ngôi, ông được toại nguyện. Trước khi làm quan, khi làm quan rồi thành hưu quan ông vẫn luôn nghèo, nhưng cái khí chất đại trượng phu, cái chất ngạo nghễ nơi ông chưa bao giờ bị bào mòn.
Suốt quãng thời gian nhân thế của mình, Nguyễn Công Trứ dường như đã luôn “ngất ngưởng”, ung dung tự tại trước những lựa chọn của bản thân trong cái bối cảnh chật hẹp của thời đại mình. Cả trong đạo làm quan, trong con đường thăng tiến, cũng như lẽ xuất xử.
Đọc về cổ nhân rồi ngẫm thì xét cho cùng cuộc đời mỗi con người – dù là quan chức hay thứ dân, dù giữ chức phận gì trong xã hội – cũng là một chuỗi những lựa chọn. Có cái gọi là sự chi phối của hoàn cảnh khách quan, của số phận, nhưng ai cũng phải đối mặt và chịu trách nhiệm cho những hành vi lời nói và việc làm của mình, nhất là những lựa chọn vào thời khắc quan trọng.
Dù làm quan hay làm dân, bản chất vẫn là phải làm mỗi việc cho đúng đắn. Những sai lầm đôi khi đến với con người chỉ là một sợi chỉ mong manh trong một thoáng để rồi “người từ đỉnh cao người về vực sâu”. Nên quan trọng nhất vẫn là biết mình biết ta, và biết đủ, để thấu rõ lẽ đời, để không thả cho lòng tham, tính nóng nảy và biểu hiện của sự thiếu tu dưỡng rèn luyện khi đứng trước những lựa chọn dù là nhỏ nhất.
Nguyễn Công Trứ thật sáng suốt khi tổng kết rằng:
Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc?
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?
(Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ?
Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thành thì bao giờ mới nhàn?)
VPK tổng hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét