Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Chúng ta đang trong thời kỳ quá độ, vậy thế nào là quá độ?

Chúng ta đang trong thời kỳ quá độ, vậy thế nào là quá độ?
He he, gần đến Đại hội Đảng XIII và như thường lệ, trên mạng lại xuất hiện nhiều “ý kiến” thắc mắc về vấn đề này.. nói là ý kiến chứ đa số đằng sau là âm mưu chẳng có gì là sáng sủa của những kẻ “nói tiếng Việt nhưng chẳng phải công dân Việt Nam”, chỉ muốn bới móc chuyện trong nước, rồi tự nhục.. cho rằng ở Việt Nam toàn thứ xấu xa, chỉ có xứ thiên đường (cái xứ mà đợt covid vừa rồi đã chống dịch thành công, chỉ có vài triệu người mắc bệnh và vài trăm ngàn người chết, cái xứ mà đa số người chết là những người vô gia cư, nằm ngoài đường ngửa mặt lên trời, cái xứ đang giữa đại dịch vẫn phải xuống đường biểu tình vì nạn phân biệt chủng tộc).. hehe, anh em nào để ý, mấy cái trang tiếng Việt từ nước ngoài mà được liệt vào những tổ chức khủng bố, phản động ấy.. tôi đố anh em tìm được bài nào ca ngợi Việt Nam hoặc bài nào phê phán chính phủ ở các nước “thiên đường” khi để xảy ra tình trạng bạo loạn vừa rồi ấy, hay chúng lại ca ngợi.. cảnh sát quỳ gối đồng hành cùng người biểu tình, một hình ảnh đẹp… dân chủ, nhân quyền là đấy anh em nhỉ..
Quay lại vấn đề, sau những biến động chính trị ở Liên Xô và Đông Âu cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ XX, một chiến dịch công kích, phê phán, xuyên tạc, bôi nhọ chủ nghĩa xã hội (CNXH) và chủ nghĩa Mác - Lênin được dấy lên trên khắp thế giới bởi các thế lực thù địch với CNXH. Họ nhanh chóng chớp lấy cơ hội “ngàn năm có một” này để tổng tấn công hòng “chôn vùi vĩnh viễn” chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH.
Trong tình hình ấy, một số anh em trong và ngoài nước đã “khuyến cáo” Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ con đường đi lên CNXH. Bởi theo họ, đến thành trì của CNXH hùng mạnh như Liên bang Xô Viết mà còn không đứng vững, thì Việt Nam chả là cái đinh gì. Một số người thậm chí cho rằng, giá như vào nửa đầu thế kỷ XX, nếu lựa chọn đi con đường khác thì biết đâu nước ta vẫn giành được độc lập, kinh tế, văn hóa vẫn phát triển, lại tránh được mấy cuộc kháng chiến gian khổ, hao tổn xương máu.v.v..
Một câu hỏi đặt ra: Có thật là như vậy?
He he, Mác nói rằng loài người phải trải qua 5 hình thái kinh tế xã hội (HTKTXH): Công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, chủ nghĩa tư bản, cộng sản chủ nghĩa. Quá trình chuyển từ HTKTXH này sang HTKTXH khác là một quá trình, gọi là thời kỳ quá độ. Tất nhiên, không phải quốc gia nào cũng phải trải qua đủ 5 hình thái ấy, mà còn tùy thuộc vào đặc điểm, hoàn cảnh, sự lựa chọn của mỗi quốc gia. Và tất nhiên, Việt Nam khi giành được độc lập thì chúng ta đã chọn bỏ qua chủ nghĩa tư bản để tiến lên cộng sản chủ nghĩa.. (giờ có anh em nói rằng, CNTB xấu xa, bóc lột sao nhiều nước chọn, sao nó phát triển vậy, còn CNXH tốt đẹp sao Việt Nam vẫn nghèo hơn: hehe, cái này ae phải xem lại hoàn cảnh, điểm xuất phát của mỗi nước nhé, vả lại anh em cũng phải hiểu CNTB nguyên thủy thời Mác, Lê nin nó bóc lột thế nào và nó khác các nước phương Tây hiện nay thế nào, anh em cũng không nên lấy các nước cụ thể ra để so sánh đại diện cho 2 hình thái, 2 chế độ.. bởi Việt Nam ta cũng chưa phải là nước XHCN và các nước phương Tây hiện nay cũng không còn là chế độ Tư bản nguyên thủy thời Mác, Lê nin anh em nhé.. mà chả phải tự nhiên chủ nghĩa tư bản nguyên thủy nó thay đổi, nếu không có phong trào đấu tranh của công nhân thì còn lâu mới có chuyện ngày làm 8 giờ, tuần làm việc 40 giờ anh em nhé..).
Tiếp, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chính vì lựa chọn đường lối đúng đắn nên mới tập hợp được đông đảo tầng lớp nhân dân, lãnh đạo cách mạng giành chính quyền và thống nhất Đất Nước.. điều mà các cuộc cách mạng trước đó (theo hướng phong kiến hay tư sản) đều không làm được.
Khi đã giành, giữ được chính quyền, đại diện cho đông đảo tầng lớp nhân dân, nếu để nền kinh tế phát triển tự phát chuyển thành nền kinh tế TBCN, trên cơ sở phân hóa những người sản xuất hàng hóa nhỏ, do tác động của quy luật giá trị thì sẽ hình thành CNTB, dẫn đến những hậu quả như: Chính quyền do chính nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã phải tốn bao xương máu mới giành được, sẽ bị mất; và chính nhân dân lao động lại rơi xuống địa vị người làm thuê, bị bóc lột và khó có thể thực hiện được mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng con người, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nói “nước ta quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN” chỉ có nghĩa là trong lịch sử nước ta không có một giai đoạn, trong đó giai cấp tư sản nắm chính quyền và quan hệ sản xuất TBCN giữ địa vị thống trị trong nền kinh tế quốc dân. “Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, tức là bỏ qua việc xác lập vị thế thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ TBCN, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”. Con đường đi lên CNXH ở nước ta, gọi là TKQĐ với ý nghĩa là đất nước ta phải trải qua một trạng thái xã hội mang tính trung gian, chuyển tiếp giữa HTKTXH cũ và HTKTXH mới, trong đó nền kinh tế là nền kinh tế quá độ gồm nhiều thành phần kinh tế. Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, sự hợp tác kinh tế quốc tế đa phương, đa dạng cho phép chúng ta tận dụng đại công nghiệp của cả thế giới để có thể “rút ngắn” quá trình phát triển kinh tế đất nước. Sự phát triển “rút ngắn” chỉ có nghĩa là đẩy nhanh tương đối quá trình phát triển lịch sử tự nhiên, bằng những khâu trung gian, những hình thức, bước đi quá độ - được coi là cực kỳ cần thiết và có tác dụng sắc bén đối với những nước mà sản xuất nhỏ là phổ biến đi lên CNXH. Đồng thời, phải tôn trọng và vận dụng sáng tạo những tính quy luật của quá trình phát triển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN.
Thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN?
Nó không phải thị trường TBCN, mà cũng chưa phải là thị trường XHCN đầy đủ. Thị trường định hướng XHCN là một thực thể, một tồn tại, những yếu tố của thị trường và tác động của những quy luật thị trường đều có tính đặc thù đòi hòi khách quan, phù hợp với đất nước, xã hội đang quá độ đi lên CNXH. Các chính sách cũng như các hoạt động khác phải được nhà nước quản lý; nhà nước phải vận dụng tốt yêu cầu khách quan quá độ đó. Chẳng hạn, giá cả lên xuống theo quan hệ cung cầu (như giá thịt heo hiện nay); tuy nhiên, nhà nước có những biện pháp để giá cả không hoàn toàn tự phát, nhằm giảm bớt khó khăn, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân (các chính sách giảm chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi để giảm giá thành, chính sách nhập khẩu thịt heo..). Biện pháp của nhà nước không phải là xóa bỏ quy luật cung cầu (và cũng không thể xóa được quy luật khách quan đó), cũng không phải chủ yếu bằng biện pháp hành chính mà chủ yếu bằng biện pháp kinh tế thông qua thực lực của kinh tế nhà nước và các công cụ kinh tế để điều chỉnh quan hệ cung cầu, góp phần điều tiết giá cả trên thị trường, tất nhiên mục tiêu cuối cùng là vì lợi ích toàn dân.
Tại sao hiện nay chúng ta lại cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp Nhà nước?
Doanh nghiệp cổ phần là các doanh nghiệp hỗn hợp sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Dù kinh tế nhà nước chi phối hay không chi phối, thì doanh nghiệp cổ phần loại này đều thể hiện không thuần túy là kinh tế nhà nước hay kinh tế tư nhân. Nó thực sự là hình thức kinh tế trung gian, nhưng dưới sự quản lý của nhà nước, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thì xu hướng vận động của nó không theo con đường TBCN, mà hướng theo CNXH. Trong doanh nghiệp cổ phần loại này, có sự dung hợp lợi ích nhà nước và lợi ích tư nhân; đặt trong chế độ XHCN, nó trở thành động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế. Thực tiễn đã chỉ ra, nếu trong thời kỳ quá độ lên CNXH mà chỉ chú trọng lợi ích nhà nước, thì không có động lực trực tiếp; trái lại, nếu chỉ chú trọng lợi ích tư nhân thì không còn là CNXH nữa. Đương nhiên, vẫn có những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, theo đó nhà nước nắm giữ những vị trí then chốt của nền kinh tế quốc dân; những doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, theo đó chịu sự kiểm kê, kiểm soát của nhà nước XHCN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét