Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet hiện nay

rong kỷ nguyên công nghệ số, internet đang được các thế lực phản động trong và ngoài nước sử dụng như là một công cụ, phương thức truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá công cuộc đổi mới, hội nhập, sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vạch trần bản chất và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Tiếp cận thông tin trên internet ở Việt Nam
Mặc dù tiếp cận muộn hơn so với thế giới, nhưng internet ở Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, mạnh mẽ. Đến năm 2017, có khoảng 53% (50,05 triệu người) dân số dùng internet tại Việt Nam, tăng 6% so với năm 2016, đồng thời có khoảng 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số. Số lượng thuê bao di động khoảng 125 triệu; trong đó, hơn 41 triệu thường xuyên sử dụng di động để lướt web bởi sự nhỏ gọn, tiện lợi của nó. Điều đó cho thấy, internet là phương tiện ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, bởi khả năng chứa với dung lượng lớn, tốc độ truyền thông tin nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, v.v.
Theo báo cáo Online Mobile and Social Networks in Vietnam 2015 (Mạng di động và mạng xã hội trực tuyến tại Việt Nam năm 2015) của Cimigo1, những lý do chủ yếu cho việc tham gia mạng xã hội trên internet của người Việt Nam, đó là: ngoài việc giữ liên lạc (38%), thì người dùng còn muốn lưu giữ, cập nhật về bạn bè (21%), gặp gỡ những người bạn mới (13%), v.v. Song, đáng chú ý là những thông tin chính trị trên internet luôn có ảnh hưởng to lớn, mạnh mẽ đến xã hội và người dùng mạng, rõ nhất là ở những khu vực đô thị mật độ dân số đông, dân trí cao. Điều này chủ yếu xuất phát từ những lý do cơ bản: Một là, thông tin chính trị chiếm vị trí quan trọng nhất trong sự quan tâm của nhân dân, bởi xuất phát từ tâm lý truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta về ý thức chính trị - xã hội. Mặt khác, các thông tin chung về tình hình đất nước, vận mệnh dân tộc bao giờ cũng có những mối liên quan trực tiếp, gần gũi với lợi ích của mỗi thành viên trong xã hội. Hai là, thông tin, đặc biệt là thông tin chính trị, được khai thác từ internet, nhất là trên các mạng được tái truyền thông mở rộng trong xã hội theo các con đường khác nhau, như: truyền miệng, khuếch tán tiếp trên mạng hoặc chuyển tiếp dưới dạng văn bản in ấn, v.v. Vì thế, loại hình thông tin này có sức lan tỏa mạnh trong xã hội. Ba là, những thông tin chính trị trên internet tồn tại và được bảo toàn như một kho dữ liệu mở cho mọi đối tượng ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Vì vậy, do tính “tự do” tương đối của những chủ thể thông tin, khả năng “gây nhiễu” lại khá rộng,... nên bên cạnh những thông tin chính thống, thì những quan điểm sai trái trên internet có khả năng ảnh hưởng nhanh, rộng đến nhiều đối tượng. Đây là mặt trái của internet, và cũng là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch triệt để tận dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thực tế cho thấy, thời gian qua, các thế lực thù địch đưa nhiều thông tin tuyên truyền, luận điệu xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bôi nhọ lãnh tụ, nói xấu cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, đưa các thông tin thất thiệt về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh,... đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là đối với một bộ phận trí thức và thanh niên, sinh viên - đối tượng thường xuyên tiếp cận với phương tiện này.
Nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet
Đây là việc làm trở nên cấp bách nhằm làm thất bại hệ thống các phương thức chống phá của các thế lực thù địch; góp phần quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh Việt Nam trung thực, gần gũi, thân thiện trong con mắt của bạn bè quốc tế, giúp cho cộng đồng quốc tế hiểu và tin tưởng, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn trong môi trường quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Chính từ ý nghĩa đó, các cấp, các ngành, cơ quan có trách nhiệm phải nhận thức sâu sắc tính quyết liệt, phức tạp, lâu dài, thường xuyên trong cuộc đấu tranh này, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kết hợp chặt chẽ giữa giữ bên trong với chủ động ngăn ngừa. Giữ bên trong là giữ vững sự ổn định chính trị, mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, chủ động ngăn ngừa mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù; ngăn ngừa mọi sự yếu kém, sai lầm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp lãnh đạo, điều hành Nhà nước. Ngoài ra, trong cuộc đấu tranh toàn diện này, cần nâng cao bản chất giai cấp công nhân, khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn; kiên quyết loại trừ những xu hướng cơ hội, xét lại, hữu khuynh giáo điều, bảo thủ tả khuynh, cũng như mọi biểu hiện sai trái, tiêu cực và tham nhũng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể quần chúng và toàn xã hội. Đẩy mạnh phát triển, xây dựng tiềm lực kinh tế vững mạnh, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của chế độ chính trị, mở rộng hợp tác quốc tế đi đôi với tăng cường quyền tự chủ và an ninh quốc gia.
Thường xuyên cảnh giác, đấu tranh ngăn chặn, bác bỏ mọi luận điệu sai trái, thù địch trên internet
Do sự phát triển của các phương tiện kết nối internet, nên khó có thể cấm đoán công dân khai thác thông tin trong một xã hội thông tin hiện đại. Vấn đề là, chúng ta phải có những giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu sự truy nhập, tìm kiếm thông tin sai trái và tác động của nó đối với nhận thức của những đối tượng tiếp cận thông tin.
Để làm tốt việc này, cần chú trọng một số nội dung: 1. Luôn nâng cao kiến thức về mọi mặt, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên,… để họ giữ vững bản lĩnh chính trị, có phương pháp xem xét, tiếp cận thông tin một cách đúng đắn, khoa học. 2. Nâng cao cảnh giác, đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin ngược chiều với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. 3. Bản thân mỗi người có ý thức tự giác, kỷ luật trong quá trình tiếp xúc thông tin; chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin, tích cực đấu tranh chống phao tin đồn nhảm, lưu truyền thông tin xấu, thông tin thất thiệt. 4. Các cơ quan hữu quan, cơ quan chuyên trách cần có sự phân loại thông tin, điều chỉnh những cách thức đấu tranh, hạn chế, bài trừ cho phù hợp. Theo đó, đối với nguồn tin do những phần tử phản động tự tổ chức khai thác, đăng tải trên internet và trên các trang báo mạng quốc tế, chúng ta khó chi phối do hoàn toàn không nắm thế chủ động và không thể tác động trực tiếp bằng luật pháp hay các công cụ quản lý khác, thì có thể hạn chế bằng cách: Một là, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những thông tin đó xuất phát từ nguồn nào, nếu thấy bất lợi, cần thiết dùng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn kịp thời. Hai là, để tạo sức đề kháng cho mỗi cư dân mạng trước các thông tin sai trái, thù địch, phải đẩy mạnh cung cấp, cập nhật và tích cực truyền bá thông tin chính thống để thỏa mãn nhu cầu và quyền tiếp cận thông tin của nhân dân trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tiếp cận thông tin năm 20162Đối với nguồn tin được cung cấp có chủ đích trong nước và nguồn tin từ các cơ quan báo chí, truyền thông, phải thực hiện nghiêm luật và các quy định về giữ bí mật, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo, đặc biệt là những người có trách nhiệm chủ trì ở các tòa soạn3. 5. Các bộ, các ngành chức năng phối hợp tổ chức tốt công tác nắm tình hình, phản ứng của các nước về đường lối chính trị, kinh tế, chính sách đối ngoại,… của Việt Nam; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch đối với nước ta, v.v. Từ đó, tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, nhất là các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận. Ngoài ra, tăng cường hợp tác văn hóa thông tin với các nước, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế nhưng cần giữ thế chủ động; đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia nhưng không làm tổn hại đến quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.
Đẩy mạnh hoạt động trên internet của báo chí, truyền thông
Inetnet đang trở thành phương tiện hiện đại và phương thức mang lại hiệu quả cao cho các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến và góp phần đưa các nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Bởi vậy, báo chí, truyền thông phải là lực lượng đi đầu, công cụ sắc bén trong công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên internet. Thông qua internet, các cơ quan báo chí, truyền thông phải tích cực khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam và tính đúng đắn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đồng thời, làm rõ cơ sở khoa học của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đoàn kết dân tộc, dân chủ, nhân quyền, về hệ thống chính trị - Nhà nước của dân, do dân và vì dân; những thành tựu, hạn chế cũng như những bài học kinh nghiệm đổi mới và hội nhập quốc tế.
Lợi dụng chủ trương đổi mới, mở cửa, các thế lực thù địch tấn công vào định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường, khuyến khích xu hướng thị trường tự do và tư nhân hoá tràn lan, tách rời sự quản lý của Nhà nước, từng bước làm cho nền kinh tế nước ta lệ thuộc vào nước ngoài. Vì thế, báo chí, truyền thông phải là những kênh thông tin đa dạng, nhiều chiều, với phạm vi thông tin rộng, lượng thông tin lớn và kịp thời, phù hợp, góp phần đắc lực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế, quản lý xã hội; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, làm cho truyền thống ấy được hoà nhập và nâng cao, trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, tạo động lực mạnh cho sự phát triển và hội nhập của đất nước.
Trong cuộc đấu tranh này, đội ngũ phóng viên báo chí và cộng tác viên của các cơ quan báo chí, truyền thông là những “chiến sĩ xung kích” cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu bảo vệ lợi ích dân tộc và công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước. Cùng với đó, hiệu quả của cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch còn phụ thuộc phần lớn vào tài trí của đội ngũ những người tác nghiệp trên internet. Điều đó được thể hiện ở chỗ, những bài viết vạch trần được bản chất, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, góp phần đắc lực và hiệu quả cho việc triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên tinh thần Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Muốn vậy, lực lượng này cần được thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trước hết là được trang bị đầy đủ, vững chắc lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Các thông tin được đưa ra và đăng tải trên internet, các trang mạng hay blog phải trung thực, khách quan; cách tiếp cận sự kiện, nêu vấn đề cần phải đứng trên lợi ích lâu dài của đất nước, dân tộc, mang tính xây dựng, nói cái xấu để khắc phục, nêu cái tốt để khuyến khích phát triển.
Về lâu dài, Nhà nước cần xây dựng hệ thống truyền thông phong phú, đa dạng, đảm bảo đủ sức mạnh và khả năng đáp ứng một cách tích cực các nhu cầu thông tin ngày càng tăng của nhân dân; có đủ khả năng và sức mạnh tham gia vào hoạt động giao lưu quốc tế. Nó phải có khả năng tiếp nhận, xử lý và khuếch tán vào dòng thông tin truyền thông quốc tế một lượng thông tin đủ lớn, đủ mạnh để tạo ra một tiếng nói công bằng, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước, phát huy và bảo vệ những lợi ích kinh tế, định hướng chính trị, giá trị văn hoá của dân tộc, quốc gia và chế độ. Muốn vậy, cần tăng cường, đổi mới cơ sở vật chất, kỹ thuật, bảo đảm phát huy tính hiệu quả cao của các cơ quan báo chí, truyền thông; hoà nhập vào trình độ kỹ thuật thông tin thế giới và khai thác hiệu quả các loại hình báo chí, đặc biệt là các loại hình thông tin đang bùng nổ trên internet. Các báo, trang thông tin điện tử phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút lượng truy cập ngày càng nhiều hơn; chú trọng đổi mới, với nhiều địa chỉ để tạo ra nhiều kênh tiếp xúc khác nhau; xây dựng giao diện riêng cho điện thoại di động, tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ thường xuyên truy cập internet qua mạng di động có thể sử dụng dễ dàng trong việc khai thác, tìm kiếm thông tin chính thống. Mặt khác, có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các website, blog, báo, thư điện tử độc hại trên internet và trên mạng điện thoại di động, nhằm hạn chế những thông tin xấu, độc tác động đến quần chúng nhân dân
Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị, cần được triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp. Thực hiện tốt những vấn đề cơ bản trên, sẽ góp phần hữu hiệu ngăn chặn, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa - chế độ tốt đẹp mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng.
TS. NGUYỄN CHÍ THẢO, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét