Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, hiện nay các thế lực thù địch, phản động không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, nguy hiểm. Trong đó, có sự lôi kéo, kích động, móc nối giữa các đối tượng phản động, cơ hội chính trị với các đối tượng hình sự, đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, như vụ việc đã diễn ra ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (ảnh IT).
Nhân kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân (20.7.1962 – 20.7.2018), Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ với nhiều nội dung rất quan trọng.
Sau khi điểm qua những hoạt động và thành tích lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND), Thượng tướng Tô Lâm cho biết, chỉ tính từ năm 1986 đến nay, đã có hơn 150 cán bộ, chiến sĩ CSND hy sinh, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ bị thương hoặc phơi nhiễm HIV trong công tác, chiến đấu. Thượng tướng Tô Lâm cũng đúc rút ra những bài học quý giá trong quá trình công tác, chiến đấu của lực lượng CSND.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong thời gian tới tình hình thế giới, khu vực có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có những thách thức, tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Các thế lực thù địch, phản động không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, nguy hiểm. Trong đó, có sự lôi kéo, kích động, móc nối giữa các đối tượng phản động, cơ hội chính trị với các đối tượng hình sự, đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, như vụ việc đã diễn ra ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương trong toàn quốc thời gian qua.
Về tình hình trật tự an toàn xã hội và tội phạm, trước tác động, móc nối của các loại tội phạm quốc tế và khu vực, tội phạm trong nước tiếp tục có xu hướng “quốc tế hóa” mạnh mẽ hơn, tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, lối sống vị kỷ, thực dụng, vô cảm, tuyệt đối hóa các nhu cầu, lợi ích cá nhân làm gia tăng tình trạng tội phạm sử dụng bạo lực, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, tệ nạn xã hội, nhất là trong lớp trẻ. Bên cạnh đó, cùng với việc sử dụng vũ lực chống trả quyết liệt, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, các đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội sẽ có xu hướng tăng cường sử dụng vật chất, các lợi ích khác mua chuộc, lôi kéo; các thủ đoạn gây ảnh hưởng đến cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung, CSND nói riêng để được bao che hoặc tạo điều kiện trong hoạt động gây án, vi phạm pháp luật.
Lực lượng Cảnh sát nhân dân trải qua 55 năm công tác, chiến đấu trưởng thành (ảnh Học viện Cảnh sát nhân dân).
Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu lực lượng cảnh sát cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp: Nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục tiêu cao nhất của công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm là xây dựng xã hội trật tự, an toàn, kỷ cương, lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm kịp thời, nhanh chóng, chính xác là rất cần thiết và quan trọng nhưng không thay thế cho toàn bộ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, từ đó, chấm dứt tình trạng “chạy theo thành tích”, chỉ chú trọng đến điều tra, xử lý tội phạm mà không chú ý đến phòng ngừa tội phạm.
Đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội. Kết hợp giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, tạo thế trận liên hoàn trong bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, gắn với vai trò tham mưu, nòng cốt, trực tiếp của lực lượng CSND và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và địa bàn dân cư, với mỗi gia đình và thành viên, góp phần bảo vệ nhân dân, không để nhân dân bị tội phạm xâm hại, không để người dân bị tội phạm lôi kéo, mua chuộc vào hoạt động phạm tội.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ CSND phải nhận thức do tính chất hoạt động và nhiệm vụ trong bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm, việc làm, hình ảnh của người cán bộ, chiến sĩ CSND sẽ có tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của quần chúng nhân dân với lực lượng Công an nhân dân. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ CSND cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, làm chủ khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực tri thức có liên quan khác; đổi mới hơn nữa phong cách, lề lối làm việc, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, quán triệt sâu sắc, thực chất tư tưởng trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ để được nhân dân tin yêu, giúp đỡ nhiều hơn…
http://danviet.vn/tin-tuc/bo-truong-cong-an-cac-the-luc-phan-dong-ngay-cang-xao-quyet-895868.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét