Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Mùa Cô Vy: Tự sự – Tôi là người Việt Nam

Ngày mai, đánh dấu tròn 15 năm, Ba Tôi ra đi về với Ông Bà, Tổ tiên… đi gặp những người đồng đội đã từng kề vai sát cánh, chiến đấu cùng Ba Tôi vì một lý tưởng: độc lập và thống nhất dân tộc. Song, chưa bao giờ, Tôi nghĩ Ba bỏ lại tôi một mình giữa trần gian này.
Ba tôi thoát ly gia đình năm 1947, đi bộ đội từ đó… cuộc chiến cuốn Ba tôi vào trong nó… mãi 24 năm sau mới lấy vợ – Mẹ tôi – và sinh ra tôi… giữa cái thời gian khổ nhất, quyết liệt nhất của cuộc chiến… Thống nhất… Ba trở thành một người cán bộ bình thường, mang trong mình một giá trị sống được tích luỹ bằng cả cuộc trường chinh của đời Ba… và, Ba đã làm một điều cho Tôi… mà cả cuộc đời này, tôi không biết phải dùng ngôn từ gì để diễn tả… Ba mang toàn bộ những giá trị được tích luỹ đó truyền cho tôi trong vài năm, trước khi Tôi kịp lớn và Ba đổ bệnh vì thời gian và tàn dư của cuộc chiến tranh. Có lẽ, cuộc đời tôi may mắn khi được làm con của Ba.
Những ngày bệnh, tôi thường loanh quanh cạnh Ba, vẫn tiếp tục nghe Ba dạy, đối thoại, học hỏi… tất cả những gì Ba có… Rồi tôi phải xa Ba, phải tung cánh bay vào vùng trời của riêng Tôi…. Vậy là hơn 28 năm, không sống gần Ba, 15 năm xa mãi… song, những gì là cuộc sống, là tư duy, là lý tưởng mà Ba để lại trong tôi vẫn còn nguyên vẹn.
Mùa Cô Vy: Tự sự – Tôi là người Việt Nam
Tôi vẫn nhớ Ba dạy: phàm làm con người, lòng tự tôn dân tộc là bất diệt. Con có thể nhẫn nhịn với một kẻ ăn cướp, vì có thể hắn đói mà làm càn… nhưng tuyệt đối không bao giờ dung thứ cho kẻ thù của dân tộc. Một khi đã khác màu da, khác dòng máu, thì đừng nghĩ đến chuyện có tình thân, có lòng vị tha…
Có lẽ, Ba tôi có “cực đoan” chăng? Không. Những gì tôi gặp, tôi sống, tôi trải nghiệm trong cuộc đời này, nó cho tôi câu trả lời: Ba tôi không cực đoan. Mà ngược lại, hoàn toàn chính xác.
Tôi đã từng làm việc 3 năm, từ năm 1995-1997, cho một công ty của Đức. Ông chủ là một người Đức thuần chủng. Ông ta rất quý tôi… bởi lẽ gì, tôi không rõ… nhưng trong hành xử của ông ấy với tất cả những người Việt như là một chủng người hạ đẳng… không quá khó để nhận ra điều đó. Một lần, ngồi uống rượu với ông ấy trong Bar Thái Bảo trên đường Đồng Khởi, tôi đã hỏi ông ấy: tại sao? Gần như không cần suy nghĩ, ông ấy nói thẳng với tôi: “bởi chỉ duy nhất, chủng tộc da trắng bọn tao mới là “người thượng đẳng”, còn lại, tất cả đều là mọi”… Tôi chỉ mỉm cười… Sáng hôm sau, tôi nộp đơn xin nghỉ việc. Có lẽ, đến tận bây giờ, ông ta vẫn không biết tại sao, một người đang được ông ta rất sủng ái, lại nộp đơn nghỉ việc đột ngột, không một lý do… chỉ đơn giản là: tôi muốn nghỉ việc!
Tôi không nhìn nhận sự việc qua bất cứ chỉ một hiện tượng nào… những năm 1993, khi còn là sinh viên, tôi làm thêm ở trong bộ phận Banquest của một khách sạn 5 sao trên đường Nguyễn Huệ… quản lý cấp trên trực tiếp của tôi là một người Hongkong, và vị manager trực tiếp bên trên là một người Anh… tôi cũng nhận ra được sự phân biệt đối xử một cách “đặc biệt” giữa những người da trắng với người da trắng, người da trắng với người da vàng và đặc biệt là người da trắng với người Việt Nam…. Dù khi tôi làm bất cứ ở đâu, tôi đều được các “sếp” trực tiếp rất yêu mến và “trọng dụng”.
Năm 1997, khi tôi làm việc ở một công trình xây dựng, đối tác là tập đoàn Rodio của Ý – làm việc trực tiếp với 2 viên kỹ sư trưởng người Ý… và vẫn là câu chuyện với cùng một kịch bản. Người Việt vẫn bị xem như là một thứ “mọi” trong ánh mắt và tư tưởng của người da trắng.
Năm 2005, trong một chuyến ra nước ngoài làm việc, tôi đã đặt chân đến sân bay Charles De Gaul… và tại đó, câu chuyện “phân biệt chủng tộc” nó trở thành việc “hiển nhiên” của người có chức trách tại sân bay…
Gần đây nhất, tôi làm việc với một đối tác, khách hàng của tôi… trong công ty khách hàng của tôi có một anh bạn phụ trách kinh doanh người nước ngoài…. Dù anh ta nói chuyện với tôi như một đôi bạn thân, mỗi lần gặp mặt… song, khi quan sát cách anh ta làm việc, ứng xử với những đồng nghiệp người Việt, cái “dòng máu thượng đẳng” trong anh ta lại trỗi lên…
Tôi không biết, có lẽ do tôi mang dòng máu Việt Nam, hay chỉ là dòng máu da vàng…. Mà khi đối diện với những người da trắng, tôi dễ bị “dị ứng” với cái thói “thượng đẳng cám lợn” của họ đến mức sẵn sàng “húng chó” chơi đủ, ăn đủ… một cách sòng phẳng… nếu đó là một sự phản kháng cần thiết để đòi sự công bằng.
Có lẽ… đó là dòng máu mà Ba tôi đã để lại.
Một sự việc được xem là “trọng đại” trong cuộc đời của tôi… khi Ba nằm viện ở Chợ Rẫy… tôi đã nói chuyện với Ba về tương lai, về nhiều nhẽ… Trong đó, có việc: tôi có nên trở thành một người Cộng sản hay không? Ba chỉ nói với tôi thế này: “Đảng viên hay không, đó là lựa chọn của con, Ba không có ý kiến… Nhưng lý tưởng cộng sản dân tộc là máu của Ba”. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này…. Có lẽ, duy nhất Ba là người nói cho tôi nghe cụm từ “lý tưởng cộng sản dân tộc”….
Nếu chỉ là dân tộc chủ nghĩa thuần tuý… nó có vẻ rất cực đoan… nhưng, khi nói về lý tưởng cộng sản dân tộc, tôi cho rằng, nó là lại một tư tưởng dân tộc rộng hơn, ở đó, sự chân thành và khoảng cách của màu da, chủng tộc sẽ “thu hẹp” đến mức tối thiểu… Chỉ tiếc là ngày đó, sao tôi không hỏi tiếp, hỏi sâu, để hiểu hơn về ý nghĩa của câu nói này của Ba…
Thế rồi, cuộc sống, sự trải nghiệm, kiến thức,… đã cho tôi thấy một điều rằng: “lý tưởng cộng sản dân tộc” nó không phải là cái gì đó mới mẻ… nó là dòng máu của con người Việt Nam đúng nghĩa, yêu hoà bình, nhưng sẵn sàng đổi bằng chiến tranh, để có hoà bình… chứ không có khái niệm “thương thuyết, luồn cúi”…. Triết lý “dĩ hoà vi quý” của ông bà dạy từ xa xưa, không có nghĩa là “hèn, bạc nhược”…. mà chỉ là xuất phát từ lý tưởng của một dân tộc yêu hoà bình, nên luôn chủ trương “dĩ hoà”….
Cho đến năm 2015, tình cờ tôi xem một video clip, phỏng vấn một nữ Việt Kiều, Kỹ sư Lê Duy Loan, 55 tuổi, chuyên gia đầu ngành vật liệu bán dẫn đã trở thành người phụ nữ đầu tiên và cũng là người châu Á duy nhất được vinh danh ‘Senior Fellow’ – nhà nghiên cứu thâm niên tại hãng công nghệ toàn cầu lâu đời nhất nước Mỹ Texas Instruments. Tôi đã rớt nước mắt, khi nghe bà mở đầu câu chuyện bằng câu nói: “Mẹ ơi, con là người Việt Nam. Con da vàng với dòng máu hiên ngang”.
Là một người Việt, đi khỏi Việt Nam năm 1975 – khi mới 13 tuổi… nhưng dòng máu Việt trong Bà vẫn chảy…. và qua từng câu chữ bà nói, tôi cảm nhận được cái khí chất Việt Nam trong bà nó vời vợi như thế nào.
Tôi không phán xét, hoặc đưa ra lời khuyên cho bất cứ ai… về tinh thần dân tộc, về hai chữ Việt Nam… Song, viết những dòng này, để chia sẻ một điều rằng, những kẻ nào bỉ bôi hai chữ Việt Nam, luôn sẵn sàng chà đạp hai chữ Việt Nam vì bất cứ lý do gì, thì với cá nhân tôi, đó là kẻ vô lại, không xứng để nói chuyện… đơn giản là vậy. Vì thế, cũng đừng ai vào chỉ dạy tôi về sự thượng đẳng, về sự giàu có, về sự tiến bộ… bởi chỉ là vô ích, nếu những điều đó không gắn liền với hai chữ “Việt Nam”. Đặc biệt, nếu vẫn là kẻ đang ăn bám ở đất Việt Nam này, và lại chưa làm gì đóng góp cho đất nước… thì điều tốt nhất hãy ngậm mồm lại.
Mọi xã hội đều phát triển theo chung một quy luật. Đó là điều tất yếu. Bạn đi trước tôi… không có nghĩa là bạn “giỏi” hơn tôi… đơn giản chỉ là bạn đi trước. Tôi chưa tốt, bởi tôi còn phải tiếp tục tiến về phía trước… Tôi tin là mọi thứ rồi sẽ tốt.
Đất nước này có tệ đến đâu, thì sự thật rằng, nó vẫn đang phát triển mỗi ngày…. Chỉ có kẻ mù mới không nhận ra được điều này (xin lỗi những người thực sự có bệnh về mắt).
Câu cuối cùng, tôi xin mượn lời của bà Duy Loan, để nói với mọi người rằng:
TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM. TÔI DA VÀNG VỚI DÒNG MÁU HIÊN NGANG.
p/s1: viu-nhà tôi… có lẽ chẳng ai nghĩ nó ở nơi tôi ở… họ mong nơi tôi ở phải là ổ chuột, sự tan hoang, tồi tàn… thì họ mới hả dạ…
(Bài trên là tự sự của người anh Hua Tat Dat.)
CSN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét