Trong những ngày này khi chúng ta đang được tự cách ly tại nhà, có người đang thản nhiên đếm về ngày mùng tết …, có người đang thảo luận về các hoạt động ở nhà khi cách ly xã hội, có kẻ đang chống đối và có những biểu hiện vô văn hóa khi nhắc nhở về đeo khẩu trang, về tụ tập đông người…, thì ở những nơi xa xôi đang có các chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân, đội ngũ y bác sĩ đang gồng mình chống dịch.
Khi chúng ta được chăn ấm nệm êm, họ lại phải vào rừng dựng lều, mắc võng nhường chỗ để người dân có nơi chốn cách ly. Vất vả, cực khổ nhưng họ chưa bao giờ có lấy một lời kêu than. Ngược lại những chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân, đội ngũ y bác sĩ ấy còn cảm thấy vô cùng tự hào vì đã góp một phần nhỏ trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Dưới đây là một trong những trang nhật ký được chính các chiến sĩ nơi ấy ghi lại, xin được phép trích dẫn nguyên văn:
“….Nhận mệnh lệnh khẩn cấp hành quân, trung đội của chúng tôi hối hả ba lô con cóc, tay xách nách mang lên đường. Nhiệm vụ của chúng tôi là thiết lập một cơ sở thu dung, cách ly cho bà con người Việt trở về nước tránh dịch và có thể cả người nước ngoài. Địa điểm là một ngôi trường trung học cơ sở gồm mấy dãy nhà cấp 4 khang trang gần một thị trấn biên giới.
Vì các em học sinh đang phải nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19 lây lan nên Phòng Giáo dục huyện đã bố trí ngôi trường ấy làm nơi cách ly. Ai cũng đinh ninh được ở trong những căn nhà xây gạch lợp mái tôn chống nóng ấy. Nhưng không! Trung đội trưởng bảo chúng tôi dựng mấy căn lều dã chiến cách mấy dãy nhà ấy chừng hơn 100m làm nơi trú quân.
Anh nào không thích ở lều thì ra bìa rừng cạnh đó, mắc võng, phủ tăng mà ngủ.
Tất cả bàn ghế học trò đều được chuyển xuống xếp gọn vào nhà kho. Những chiếc giường sắt 2 tầng còn thơm mùi sơn và những tấm giát giường đóng vội được đơn vị vận tải của quân khu chuyển đến.
Còn nhiều thứ lắm, chăn, màn, chiếu, gối, nồi, niêu, xoong, chảo, bát đũa cho đến hàng chục bao gạo, mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm, than củi, giường bạt, hộp xốp, cốc nhựa dùng một lần, đũa dùng một lần… Tất cả đều được đóng gói kỹ càng. Nhìn đoàn xe tải vận chuyển các chuyến hàng nối đuôi nhau đến và đi, tôi ước chừng đây là cơ số quân nhu giành cho cả một tiểu đoàn.
Và tôi đã không nhầm, khu vực cách ly do trung đội của tôi phụ trách đã đón tiếp đợt đầu tiên gồm hơn 300 đồng bào trở về bằng đường bộ.
Đi cùng với họ là một tổ vệ binh, một tiểu đội quân y với 2 bác sĩ và 9 y tá. Trong đó có một em nữ y tá là sinh viên tập sự. Cứ một người lính chúng tôi phục vụ hơn 10 đồng bào cách ly.
Ngày lại ngày, chúng tôi biến thành chiến sĩ nuôi quân lúc nào không biết. Nhờ có mấy anh cán bộ quân nhu chỉ bảo nên “tay nghề” nấu nướng ngày càng nâng cao. Anh nào dốt nhất thì cũng biết nấu cơm cho dẻo, không sống, không nát. Số còn lại cũng biết chế biến nhiều món ăn ngon.
Hàng ngày, thịt tươi, cá tươi, rau dưa, củ quả được xe tiếp lương của trung đoàn chuyển đến. Được một tuần thì hậu cần quân khu “viện trợ” cho chúng tôi ba cái thùng bảo ôn để giữ thực phẩm tươi sống được lâu hơn.
Cứ đến bữa cơm, chúng tôi đóng cơm và thức ăn khô vào hộp xốp, canh thì đổ vào cốc nhựa dùng một lần có nắp đậy, đũa tre dùng một lần sản xuất hàng loạt như ở trong các tiệm ăn. Tất tần tật đều cho vào các túi nilon. Chúng tôi đem đến các cửa phòng rồi để đấy. Bà con tự ra lấy mang vào ăn rồi lại đem ra để chúng tôi thu dọn vào các bao tải rác chờ xe của trung đoàn đến chở đi. Không tiếp xúc là không tiếp xúc ! Thế thôi.
Mấy ngày đầu, đám lính trẻ chúng tôi rất thích mon men đến căn lều Quân y, nơi có em y tá xinh đẹp nhưng đều bị vệ binh ngăn lại. Cách ly là cách ly! Đồng chí ấy đang tiếp xúc với những người không biết là có bệnh hay không! Các cậu lảng vảng đến đây làm gì?
Đúng vậy! Mà cũng khó gặp em ấy lắm! Suốt ngày thăm khám, cấp thuốc cho bà con trong khu cách ly. Lúc em ấy về ăn trưa thì chúng tôi lại đi đưa cơm cho bà con. Khi chúng tôi về thì em ấy lại đến thăm khám cho đồng bào. Đến chiều tối mới về lều Quân y.
Khu cách ly hoạt động được mươi ngày, tôi bất chợt để ý thấy một bà cụ thỉnh thoảng lại đi lại bên hàng rào và nheo nheo đôi mắt chăm chú quan sát khu cách ly. Nhìn cái dáng lưng còng, mái tóc bạc và cây gậy tre trong tay, tôi đoán có lẽ cụ đã già lắm rồi. Cậu vệ binh cũng nhanh mắt nhìn thấy vội chạy ra hỏi:
– Bà ơi ! Bà đến đây làm gì ? Bà có cần cháu giúp gì không ạ ?
Bà cụ chỉ lẳng lặng xua tay rồi chầm chậm bước đi. Đôi guốc gỗ và cái gậy tre cứ lọc cọc, lọc cọc xa dần, xa dần.
Hết một đợt cách ly 14 ngày. Đồng bào về quê. Chúng tôi lại đón tiếp một đợt khác. Cứ như thế, tuần này qua tuần khác, tháng trước sang tháng sau, công việc cứ lặp đi lặp lại, khiến không ít lính trẻ như chúng tôi mệt nhoài.
Một hôm, nhân khi đợt cách ly trước đã về hết nhưng đợt cách ly sau chưa tới, trung đội trưởng cùng chúng tôi ra ngồi chơi ngoài cổng trường.
Chà! Thật là sảng khoái, không khí ở đây trong lành hơn nhiều so với thành phố dưới kia đầy bụi bặm, khói xe, khói nhà máy… Vui nhất là hôm nay, có em y tá xinh đẹp tham gia.
Để thu hút sự chú ý của “người đẹp”, đám lính trẻ chúng tôi thi nhau hát hò rồi kể đủ các thứ chuyện từ Đông sang Tây; lại còn bày đặt ra đủ mọi thứ chuyện quỷ quái nhất trên đời. Rồi hết khôn dồn đến dại. Có thằng còn phịa chuyện trung đội trưởng bị vợ… cắm sừng để rồi hắn bị củng đầu một cái nên thân. Đúng lúc cả hội đang cười như địa chủ được mùa thì anh dân quân xã cùng tham gia canh gác cất tiếng:
– Mệ ơi ! Mệ lên đây làm gì ?
Tất cả chúng tôi đều ngoảnh mặt nhìn ra cổng. Tôi thì mắt chữ o mồm chữ a. Ồ! Đúng bà cụ ấy đấy !
Vẫn mái tóc bạc trắng, tấm lưng còng, cây gậy tre, bà cụ lầm lũi đi vào. Một tay xách con gà trống và mấy mớ rau. Tay kia xách một bao tải nhỏ. Chắc là gạo. Giọng cụ run run:
– Mệ nghe nói mấy đứa bay trên ni phục vụ bà con khổ lắm. Mệ đem gà, rau và gạo nếp lên cho mấy đứa mi đây.
Chúng tôi vội ùa lại. Anh dân quân giới thiệu:
– Đây là mệ Diệu, ở xóm Chùa. Mệ có hai con đều là liệt sĩ. Giờ mệ vẫn ở một mình. Mệ đã gần 90 tuổi rồi đấy.
Em y tá trẻ vuốt tấm lưng còng của bà cụ rồi bảo:
– Mẹ ơi ! Chúng con cảm ơn mẹ ! Chúng con ở đây có Nhà nước và Quân đội chăm lo chu đáo rồi ạ.
– Ừ thì người nhà nước bây giờ có ai còn đói nữa đâu. Có phải như thời tau đánh Mỹ, có đọi nác ngọt mà cũng phải chia nhau. Nhưng mệ vẫn thương các con. Rau tươi, thịt tươi chở dưới xuôi lên đây thì ôi ai hết cả còn gì.
Trung đội trưởng nói:
– Mệ cứ giữ lấy mà bồi dưỡng sức khỏe. Chúng con cũng có đủ rồi mà !
Cụ bà ngồi xuống bậc thềm, nhìn xa xăm lên ngọn núi trước mặt rồi bảo:
– Mệ ngần này tuổi đầu rồi. Sống được bao lâu nữa. Chẳng may cái con vi trùng cô cô gì đấy…
Trung đội trưởng đỡ lời:
– Cô rô na mệ ạ !
– Ờ thì cái con sô cô la mắc dịch gì đấy nó có đem mệ đi thì mệ cũng chẳng tiếc. Nhưng chừ thì các con phải cố gắng ăn nhiều, ăn đủ mà có sức khỏe. Các con phải sống chứ, phải sống khỏe để còn cứu lấy bà con mình, còn phục vụ bà con mình chứ !
Chúng tôi nhìn nhau, sống mũi thằng nào cũng cay cay. Riêng em y tá thì vội quay mặt đi, giấu giọt nước mắt đang lăn tròn trên gò má.
Trung đội trưởng bặm môi lại, bước đến đến trước mặt bà cụ và nói dõng dạc.
– Chúng con, những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam xin đón nhận sự chăm lo của mẹ. Mong mẹ nhận của chúng con lòng biết ơn!
Đồng chí dân quân nhờ chúng tôi canh giữ cổng trường rồi dìu bà cụ ra về.
Chiều buông xuống! Hình bóng bà cụ cứ xa dần, xa dần. Tấm lưng như còng hơn dưới sức nặng của thời gian. Đôi chân bước thấp bước cao trên con đường đá sỏi. Hình bóng ấy chợt mờ đi, nhòe đi trong những giọt lệ của tôi. Ngoảnh nhìn sang bên, cả tiểu đội nuôi quân đứng im bất động. Mắt thằng nào thằng nấy đỏ hoe…”.
Nguyễn Minh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét