Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Tranh giành khẩu trang và thiết bị y tế, cuộc chiến không đồng minh, không bạn bè

Đại dịch Covid-19 bùng phát làm thị trường thiết bị y tế rơi vào hỗn loạn khi các quốc gia tung cả quân đội và lực lượng tình báo vào cuộc tranh giành để ứng phó dịch mà bất chấp quan hệ “huynh đệ” hay bạn bè.
Lãnh đạo vùng Ile-de-France vốn bao gồm thủ đô Paris, bà Valérie Pécresse, đã nói trên đài truyền hình LCI rằng phía Mỹ đã ‘trả bằng tiền mặt, trả trước, số tiền nhiều hơn gấp ba, gấp bốn lần số tiền mà Pháp hứa trả cho Trung Quốc sau khi nhận được hàng để ‘nẫng tay trên’ một lô hàng khẩu trang mà Trung Quốc đã hứa bán cho Pháp và đã được đưa lên máy bay để lên đường tới Pháp.
Cuối cùng, phía Pháp cũng giành được một lô hàng gồm 1,5 triệu chiếc khẩu trang nhờ vào sự giúp đỡ của các Hoa kiều ở Pháp, bà Pécresse cho biết.
Cáo buộc này của Pháp đã bị quan chức cao cấp giấu tên trong chính quyền Mỹ bác bỏ, hãng tin AFP cho biết. Tuy nhiên, ngoài bà Pécresse, cũng có hai lãnh đạo vùng khác của Pháp đưa ra lời cáo buộc tương tự.
Tranh giành khẩu trang và thiết bị y tế, cuộc chiến không đồng minh, không bạn bè
Thẳng thừng hơn, phía Đức còn cáo buộc Mỹ là ‘cướp biển thời hiện đại’. Tờ Guardian của Anh cho biết ông Andreas Geisel, bộ trưởng nội vụ của bang Berlin, cho biết một lô hàng gồm 200.000 chiếc khẩu trang N95 mà bang này mua để trang bị cho cảnh sát đã ‘chuyển từ máy bay này sang máy bay kia’ ở Thái Lan trong khi trên đường đến Đức và sau đó chuyển hướng đi Mỹ.
Số khẩu trang này là phía Trung Quốc sản xuất cho công ty Mỹ 3M, nhưng công ty này sau đó ra tuyên bố cho biết ‘họ không có bằng chứng cho thấy số khẩu trang này đã bị giành giật’ và trong hồ sơ của họ ‘không có đơn hàng nào như thế từ phía Đức để trang bị cho cảnh sát’.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal cho biết giới chức bang Massachusetts đã phải gấp rút tìm mọi cách và tận dụng các mối quan hệ để đưa cho được 1,2 triệu khẩu trang từ Trung Quốc về Mỹ bằng đường hàng không, thay vì bằng tàu biển trong điều kiện thông thường.
Theo bài báo này thì Thống đốc Charlie Baker, Bộ Ngoại giao Mỹ và nhiều quan chức khác đã ‘gửi thư tới tổng lãnh sự Trung Quốc để xin giấy phép đặc biệt’ để đưa máy bay và người vào Trung Quốc lấy khẩu trang vì trong điều kiện dịch bệnh hoành hành ở Mỹ, phía Trung Quốc đang hạn chế các chuyến bay đến từ nước này.
Theo đó, sau nhiều nỗ lực vận động thì phía Trung Quốc đã đồng ý cấp phép cho chuyến bay này, không yêu cầu cách ly 14 ngày đối với phi hành đoàn nhưng yêu cầu phía Mỹ phải xin thị thực mới được cho nhập cảnh. Ngoài ra, không ai được phép xuống máy bay và không người nào từ phía Trung Quốc lên máy bay. Máy bay của Mỹ cũng chỉ được phép đậu ở sân bay Trung Quốc không quá 3 tiếng để bốc dỡ hàng.
Canada cũng rơi vào “cuộc chiến” tương tự khi nhiều lô hàng nước này đặt từ Trung Quốc đã bị “hao hụt” khi “quá cảnh” châu Âu. Nguồn tin giấu tên chia sẻ với Đài phát thanh Canada rằng có rất nhiều sự cạnh tranh từ châu Mỹ và châu Âu.
“Chúng tôi đã chiến thắng ấn tượng trong trận chiến này. Các quốc gia ngoài kia còn đang thiếu thiết bị, nhưng ở đây chúng tôi vẫn có đủ và hàng sẽ được chuyển đều đặn”, Thủ hiến bang Quebec (Canada) François Legault lạc quan.
Trong cuộc họp báo ở Brazil hôm 1/4, Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta, cho biết những nỗ lực gần đây của Brazil để mua khẩu trang và găng tay ở Trung Quốc đã thất bại.
“Mỹ hiện đã điều động 23 máy bay lớn nhất của họ đến Trung Quốc để lấy hàng hóa và nguyên liệu mà họ đã mua. Nhiều giao dịch của chúng tôi mà chúng tôi hy vọng được xác nhận để cung cấp cho hệ thống y tế của chúng tôi đã thất bại. Cả thế giới đều muốn thiết bị bảo hộ, có một vấn đề về siêu nhu cầu”, Bộ trưởng Mandetta nói.
Khi đại dịch trở nên tồi tệ hơn, các chính phủ hoảng loạn được cho là đã sử dụng một số thủ đoạn để có được nguồn cung trong cuộc chiến chống lại virus corona. Chiến thuật này đã thay đổi từ việc chặn xuất khẩu vật tư y tế đến gửi điệp viên bí mật tìm kiếm các bộ kit xét nghiệm.
Cơ quan Tình báo Mossad của Israel, vốn nổi tiếng với những chiến dịch ám sát và bắt cóc, đã lập được “chiến công” mới khi mang về hàng loạt thiết bị y tế cho nước này trong cuộc chiến chống Covid-19. Giữa lúc nguồn hàng khan hiếm trên khắp thế giới, Mossad vẫn nhập khẩu được 10 triệu khẩu trang, 25.000 mặt nạ phòng độc N95, 27 máy thở và 20.000 bộ dụng cụ xét nghiệm từ các nguồn cung không được tiết lộ.
“Đánh cắp tài liệu lưu trữ hạt nhân của Iran còn dễ hơn là tìm mua máy thở y tế và vận chuyển nó đến các bệnh viện ở Israel”, tờ Al Monitor dẫn lời ông Yossi Cohen – Giám đốc Mossad. Hàng trăm nhân viên của ông Cohen đã lục tung mọi ngóc ngách khắp thế giới để có được thiết bị cần thiết. Họ không cần phải quan tâm đến ngân sách, mệnh lệnh duy nhất đó là bằng mọi giá phải bảo đảm Israel có đủ khả năng ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 trong điều kiện khẩn cấp nhất.
Từ Châu Âu đến Nam Mỹ, các đồng minh của Mỹ cũng đang phàn nàn về chiến thuật của Mỹ trong việc trả giá cao hơn hoặc chặn các lô hàng cho những nước đã ký thỏa thuận mua vật tư y tế quan trọng.
Các quan chức cấp cao của Pháp và Đức cho biết, Mỹ đã trả cao hơn giá thị trường cho khẩu trang y tế từ nhà sản xuất số 1 Trung Quốc, giành được hợp đồng do giá thầu cao hơn ngay cả sau khi những nước châu Âu tin rằng thỏa thuận đã được thực hiện. Một quan chức Đức cho rằng: “Tiền đối với họ không quan trọng. Mỹ sẽ trả bất cứ giá nào vì sự tuyệt vọng”.
Hai nước này cũng tố cáo Mỹ đã cướp lô hàng khẩu trang mua từ công ty Mỹ, nhưng đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc khi đang trên đường vận chuyển. Có thể lấy lý do Mỹ cấm xuất khẩu mặt hàng khẩu trang để biện hộ cho hành động này, nhưng quan chức Đức cho rằng, hành động của Mỹ giống như là “cướp biển thời hiện đại” và Mỹ không nên áp dụng chiến thuật “miền Tây hoang dã” trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét