Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Chiến dịch CV-88 ít người biết đến

Đã nhiều người biết về chiến dịch CQ-88, trong đó nổi bật là trận đánh ở cụm Len Đao – Cô Lin – Gạc Ma, nhưng lại ít ai từng nghe đến chiến dịch CV-88.
Trên Biển Đông sau trận hải chiến ngày 14/3/1988, nhiều tàu chiến Trung Quốc vẫn hiện diện gây áp lực. Do vậy, phía ta cũng tăng cường thêm các máy bay vào Phan Rang.
Ngày 24/4/1988, có thêm 3 tiêm kích bom Su-22M từ Thọ Xuân bay vào Phan Rang. Đến ngày 10/6/1988, Không quân lại điều vào Phan Rang thêm 10 chiếc Su-22M. Đến lúc này, số Su-22M ở Phan Rang đã lên tới hơn 20 chiếc, sẵn sàng chiến đấu chi viện cho Trường Sa nếu Trung Quốc có ý định phiêu lưu quân sự.
Cùng với việc điều thêm máy bay, Không quân Nhân dân Việt Nam cũng tiến một bước quan trọng trong tác chiến ở Trường Sa. Trong hai ngày 24 và 28/6/1988, hai biên đội Su-22M (mỗi biên đội 2 chiếc) đã lần lượt bay nhiệm vụ ra đảo Trường Sa và đảo An Bang (Malaysia định nhăm nhe). Điều đáng nói là các phi công ta thời điểm này đã bay độc lập, không cần chuyên gia Liên Xô bay kèm.
Chiến dịch CV-88 ít người biết đến
Với việc Không quân Nhân dân Việt Nam vươn tới Trường Sa, âm mưu xâm lấn của Trung Quốc đã bị chặn đứng bởi thời điểm đó họ chưa có khả năng đánh chặn những chiếc Su-22M.
Theo lời một tướng Trung Quốc kể thì lúc đó máy bay của họ cất cánh từ sân bay gần nhất cũng chỉ hoạt động được 4-5 phút ở Trường Sa là phải quay về nếu không sẽ hết dầu. Ông này đã cho biết năm 1988, Hải quân Trung Quốc sợ nhất là gặp Su-22 Việt Nam.
Trong hai năm 1988 và 1989, Không quân Nhân dân Việt Nam tiếp tục bồi thêm hai đòn nữa để dập tắt “giấc mơ” của Trung Quốc bằng những cuộc diễn tập quy mô lớn trên biển.
Ngày 24-29/10/1988, Quân chủng Không quân tiến hành đợt diễn tập chi viện quần đảo Trường Sa (mật danh CV-88). Địa điểm diễn tập là căn cứ Phan Rang, Cam Ranh và vùng biển hai tỉnh Phú Khánh – Thuận Hải. Lực lượng tham gia gồm tiêm kích bom Su-22M (Trung đoàn 923), 2 trực thăng Mi-8 (Trung đoàn 917), 2 máy bay vận tải An-26 (Trung đoàn 918)…
Trong đợt diễn tập, phi đội Su-22M thực hiện các phương án tấn công tiêu diệt và ngăn chặn đội hình hải quân địch trên biển, chi viện yểm trợ hải quân phản công giành lại đảo. Đội hình tiêm kích đánh chặn MiG-21 yểm trợ bảo vệ đội hình tàu và tiêm kích bom Su-22M. Các đơn vị trực thăng Ka-28, Mi-8, vận tải An-26 làm nhiệm vụ trinh sát, chuyển quân, tìm kiếm cứu nạn.
Tiêm kích bom Su-22M là máy bay hiện đại nhất trong biên chế KQNDVN khi đó, đóng vai trò mũi nhọn chủ lực trong tác chiến không đối hải của ta. Lực lượng Su-22M tham gia diễn tập là Phi đội 1 của Trung đoàn 923. Các biên đội thực hiện đúng theo phương án tác chiến và hiệp đồng chặt chẽ với Hải quân. Phi công nhanh chóng phát hiện và công kích chính xác các mục tiêu.
Ngày 25/11/1988, Tổng tham mưu trưởng ra mệnh lệnh bảo vệ Trường Sa, khu vực biển và thềm lục địa. Ở phía Nam, Quân chủng Không quân tích cực tham gia bảo vệ Trường Sa, nếu tàu nước ngoài gây chiến sự thì phối hợp với Hải quân đánh bại chúng ở vùng biển quần đảo Trường Sa.
Sang năm 1989, biến thể Su-22M4 hiện đại nhất của dòng Su-22 bắt đầu thay thế phi đội Su-22M làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa.
Ngày 21-27/5/1989, Việt Nam lại tổ chức cuộc diễn tập lớn với sự hiệp đồng của cả Không quân, Hải quân và lực lượng Quân khu 7 với đề mục bảo vệ các khu vực dầu khí và thềm lục địa phía Nam.
Đây là cuộc diễn tập quân sự rất lớn. Trong đó, lực lượng tham gia gồm toàn bộ Sư đoàn không quân 370 cùng Trung đoàn 918 và một phần lực lượng Trung đoàn 923 ở Phan Rang.
Các máy bay được sử dụng gồm Mig-21bis, Su-22M, Su-22M4, An-26 và Mi-8. Khác với cuộc diễn tập năm 1988, lần này có đặt cả tình huống địch có triển khai máy bay và các phi đội MiG-21 của ta xuất kích đánh chặn chúng. Theo tài liệu Lịch sử Trung đoàn Không quân 923 thì chính những tiêm kích bom Su-22 của đơn vị đã đóng vai “quân địch” để MiG-21 tập luyện.
Không quân Nhân dân Việt Nam đã vượt qua vô số khó khăn để vươn tới Trường Sa và chứng tỏ khả năng tác chiến biển qua các cuộc tập trận sau đó, làm thay đổi hẳn tương quan tại khu vực Trường Sa. Có thể nói sự xuất hiện của Không quân Nhân dân Việt Nam đã góp phần quan trọng nhằm ngăn chặn âm mưu lấn chiếm, mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc ở Trường Sa sau trận chiến ngày 14/3/1988.
Quán bia tổng hợp
ComCom

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét