Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Hiện nay, mạng xã hội (MXH) đang trở thành công cụ truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng nhất hiện nay. Bên cạnh những tiện ích vượt trội, MXH nảy sinh không ít vấn đề, chẳng hạn những biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa, hoặc dùng MXH để trục lợi..., gây ra những tác động xấu tới nền tảng và những giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc, đòi hỏi cần có giải pháp chấn chỉnh.

Xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội
1. Lợi ích, nguy cơ và văn hóa ứng xử trên mạng xã hội   
MXH là hệ thống những mối quan hệ giữa con người với con người trên nền tảng internet với nhiều mục đích khác nhau, không giới hạn bởi không gian và thời gian. MXH có những tính năng như chat, E-mail, chia sẻ file, hình ảnh, nghe nhạc, xem video, nhắn tin, trò chuyện nhóm, viết blog, chơi game, diễn đàn trực tuyến,...
Trên thế giới có hàng trăm MXH khác nhau, phổ biến là: Facebook, Youtube, WhatApp, Skype, Qzone, WeChat, Instagram, Twitter, Flickr, Google Plus, Go.vn, Baidu Tieba... Ở Việt Nam, có 11 MXH được ưa thích là Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Messenger, Tik Tok, Mocha, Google+, Line, Flickr, Pinterest. Riêng Facebook có số lượng người sử dụng nhiều nhất với khoảng 55 triệu tài khoản, chiếm 57% dân số(1).
Theo Báo cáo Nghiên cứu thói quen sử dụng MXH của người Việt Nam (2018), trung bình 1 ngày, người Việt Nam dành 2,12 giờ để truy cập MXH, riêng với Facebook là 3,55 giờ. Khoảng thời gian từ 18:00 đến 22:00 là thời điểm người dùng thường truy cập nhiều nhất. Mục đích truy cập để kết nối liên lạc (26,8%), xem tin tức (25,7%), giải trí (21,7%), học tập (13,4%), mua sắm online (9,6%), các hoạt động khác (9,6%)(2).
MXH mang lại nhiều giá trị tích cực, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin, thể hiện bản thân và trải nghiệm cuộc sống; tương tác, gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng, trao nhận, chia sẻ tình cảm, truyền tải cảm hứng cho nhau; tìm kiếm việc làm, quảng cáo, kinh doanh và giải trí. Sự xuất hiện của MXH đã tạo ra những giá trị mới, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy đối với giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Với phạm vi tiếp cận rộng rãi, tốc độ lan truyền nhanh và khó kiểm soát, MXH như con dao hai lưỡi, có thể giúp lan tỏa những điều tốt đẹp nhưng cũng dễ bị lợi dụng gây ra nhiều hệ lụy. Người dùng MXH có thể bị xâm phạm đời tư khi đăng nhập tài khoản E-mail, trò chuyện, gửi thư, ảnh hoặc tài liệu; có nguy cơ bị lừa đảo về kinh tế, mất an toàn cho cá nhân và gia đình; dễ bị đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội như trộm cắp, chiếm đoạt tài sản, bắt cóc tống tiền, thậm trí nhiều người thiếu cảnh giác, quá tin vào các mối quan hệ ảo, dẫn tới án mạng thương tâm(3).
Quá trình sử dụng MXH, nếu người dùng chủ quan sẽ bị mất định hướng, có thể dẫn tới vô tình hoặc cố ý tán phát những thông tin xấu, độc, gây hại cho cộng đồng, thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước. Việc tham gia MXH ở mức cao, chiếm quá nhiều thời gian, có thể dẫn đến nguy cơ giảm sút sức khỏe, hiệu quả học tập, công tác và giao tiếp, thậm trí làm rạn nứt quan hệ ngoài đời thực.
Từ thực tiễn sử dụng mạng xã hội đã hình thành nên văn hóa ứng xử trên mạng. Văn hóa ứng xử trên MXH được hiểu là hệ thống giá trị chi phối nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của cá nhân, cộng đồng trong các mối quan hệ với tự nhiên, xã hội và với chính bản thân khi tham gia MXH, phản ánh trình độ phát triển của cá nhân và cộng đồng.
Văn hóa ứng xử trên MXH bao hàm cả mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh, biểu hiện ở chỗ mỗi người biết góp phần tuyên truyền trên MXH về bảo vệ môi trường thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên, sống xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện; biết yêu thương, chăm sóc, bảo vệ các loài động vật,... Văn hóa ứng xử trên MXH còn thể hiện trong mối quan hệ với chính bản thân, với các giá trị như sự khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, có chính kiến, lập trường, quan điểm rõ ràng; tinh thần cầu thị, học hỏi, không tự kiêu, tự đại hoặc tâm lý tự ti, thiếu tin vào bản thân,...
Mối quan hệ trên MXH có phạm vi rộng lớn, đa dạng và khó kiểm soát hơn mối quan hệ trong đời thực. Một cư dân mạng có thể có thiết lập quan hệ bạn bè khắp thế giới, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, không phân biệt chủng tộc, tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp,... Một cá nhân có thể tham gia nhiều MXH khác nhau với danh tính được công khai, cũng có thể ẩn danh, thậm trí mạo danh người khác. Có trường hợp một người tham gia một MXH với nhiều tài khoản khác nhau.
Do tính tương tác trực tiếp, tính tức thời trong giao tiếp nên việc đánh giá cảm xúc, thái độ, hành vi khó chính xác, kể cả những giao tiếp qua hình ảnh như gọi điện bằng  Mesenger, Skype, Zalo,... Các cảm xúc thật có thể bị che dấu, không bộc lộ hoặc bộc lộ không đầy đủ, thậm trí bộc lộ trái ngược. Sự giao tiếp bằng ánh mắt, những điệu bộ, cử chỉ thân thiện, tình cảm chân thật khó có thể biểu hiện và tác động như ngoài đời thực.
Ngôn ngữ sử dụng trong giao tiếp, ứng xử trên mạng xã hội chủ yếu là ngôn ngữ viết và ký hiệu. Chẳng hạn, nhận xét, bình luận bằng chữ viết, hoặc tỏ thái độ bằng như ký hiệu và hình ảnh như: like (thích), love (yêu thích), cười (haha), ngạc nhiên, buồn, phẫn nộ... trên trang Facebook; nhắn tin, tỏ thái độ bằng lời hoặc ký hiệu hình ảnh trên Zalo,...
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trong quan hệ trên MXH, cá nhân thường chứng tỏ rõ ràng chính kiến thái độ của mình, muốn bảo vệ quan điểm của mình với người khác, dẫn đến sự tự trọng gia tăng trong khi sự tự chủ lại giảm. Hành động trên MXH có thể không trùng khớp với hành động ngoài đời thực. Con người thích gây ấn tượng hơn, ít quan tâm đến suy nghĩ của người khác hơn, dễ dãi trong suy nghĩ hoặc có những suy nghĩ, quan điểm quá đà.
2. Một số biểu hiện tiêu cực trên mạng xã hội ở nước ta hiện nay
Một thực tế là môi trường MXH đang bị vẩn đục bởi các hành vi giao tiếp, ứng xử chưa văn hóa, cách sử dụng MXH chưa văn minh hoặc lợi dụng các diễn đàn công khai để đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau. Hiện nay có rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ cho rằng MXH là thế giới ảo, có thể ẩn danh, vì thế họ không chỉ dễ dãi trong cách ứng xử với nhau, mà còn coi MXH như một công cụ để tìm hiểu cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi của mình, hoặc có định kiến với xã hội.
Trên MXH, không thiếu những lời nói tục, chửi thề, những phát ngôn gây sốc; những hành động trả thù cá nhân bằng nói xấu, quay clip, những lời bình luận miệt thị; xuất hiện những “thánh chửi”, những “anh hùng bàn phím”. Hiện tượng a dua, “ném đá’ tập thể trên mạng ngày càng tăng. Có khi người dùng thể hiện cảm xúc, thái độ như thích (like), yêu thích (love), chia sẻ (share)... một cách vô thức hay theo thói quen mà không xem xét, cân nhắc hậu quả, thậm trí không đọc, không xem.
Kết quả khảo sát của chương trình Nghiên cứu internet và xã hội (VPIS) (2018) cho thấy, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng MXH tại Việt Nam là: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)(4).
Lối sống ảo trên MXH khá phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Họ có những suy nghĩ, ý tưởng dựa vào những gì xa vời mà MXH mang lại, muốn trở thành Hotgirl facebook, hoặc thích đăng những hình ảnh gợi cảm thu hút sự chú ý để câu like, comment ảo. Tất cả hoạt động, cảm xúc, diễn biến tâm trạng... đều được phơi bày trên Facebook cá nhân, bất chấp những rào cản về thuần phong mỹ tục. Nhiều người xa rời cuộc sống thực, phí phạm quá nhiều thời gian, tinh thần vào mạng xã hội online, thậm chí có trường hợp mắc bệnh ảo giác, cô đơn, trầm cảm, bất mãn.
Một nghịch lý đang diễn ra là hiện nay lối sống lạnh lùng, vô cảm ngoài đời thực, nhưng lại dạt dào cảm xúc trước những gì đăng trên MXH. Rất nhiều những bức ảnh, đoạn clip quay cảnh nam sinh, nữ sinh đánh nhau, các tai nạn giao thông thương tâm, trước ánh mắt tò mò, đầy hiếu kì của người đi đường mà không ai giúp đỡ, trong đó có người ghi hình, thế nhưng khi đăng lên mạng lại nhận được nhiều xót xa, thương cảm. Trong đó có chính những người vô cảm chứng kiến ở đời thực nhưng lại xót xa, thương cảm ở đời sống ảo.
Ngôn ngữ sử dụng trên MXH hiện nay rất lai căng, đã làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Việc dùng tiếng Việt kết hợp với ngôn ngữ khác (phổ biến là tiếng Anh) có xu hướng tăng lên đáng báo động. Tiếng Việt được dùng theo cách riêng với sự kết hợp “lạ hóa” và khó hiểu. Hiện tượng dùng tiếng lóng, thêm, bớt, thay thế chữ cái, viết chữ hoa tùy tiện, viết sai chính tả rất nhiều trên MXH. Có nhiều trường hợp lệch lạc cả tư tưởng và đạo đức, văn hóa truyền thống. Các biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, văn hóa trên MXH hiện nay diễn ra phổ biến và đã đến mức đáng báo động. Nếu không có các thiết chế hoặc chế tài phù hợp để ngăn chặn thì rất có thể những hiện tượng đó sẽ tiếp tục lan rộng và phát triển thành những hành vi nguy hiểm cho xã hội.
3. Những giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội
Một là, nâng cao ý thức, rèn luyện hành vi đạo đức, làm cơ sở cho xác định thái độ, hành vi ứng xử văn hóa trên MXH
Ứng xử trên MXH luôn cần có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan và tế nhị, tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp, không nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác. Biết cách chọn bạn và quản lý danh sách bạn bè, không nên quá nhiều bạn khiến cho việc kiểm soát thông tin khó khăn. Trước khi kết bạn với những người mới, cần tìm hiểu một cách kỹ lưỡng.
Suy nghĩ kỹ về những gì nói và đăng trên mạng, có trách nhiệm với lời nói, hành vi. Tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng, không nên “tay nhanh hơn não” đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý. Đưa hình ảnh phù hợp lên mạng, không đưa những hình ảnh hở hang, mang tính khiêu dâm hoặc bạo lực, ảnh selfie diễn ra ở những nơi không phù hợp (đám tang, tai nạn giao thông...). Đề phòng kẻ xấu có thể sử dụng những bức ảnh cho những mục đích không tốt đẹp. Trước khi đăng tải những bức ảnh và các câu chuyện của bạn bè cần có lời xin phép và được sự đồng ý của họ.
Có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa ứng xử của dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp trên MXH. Không nên dùng từ ngữ tục tĩu hoặc từ lạ không có trong từ điển tiếng Việt, không nên dùng tiếng lóng, từ viết tắt hoặc ngôn ngữ pha tạp. Phản ứng thận trọng trước các vấn đề nảy sinh trên MXH.
Hai là, tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, giúp mỗi người hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia MXH
Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ người dùng hợp pháp trên không gian mạng; phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Nhà nước, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, phá rối của các thế lực phản động. Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các đợt tấn công mạng, khủng bố mạng và phòng, chống nguy cơ chiến tranh mạng.
Luật An ninh mạng quy định rõ những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử như: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng(5)...
Những quy định của Luật không xâm phạm đến quyền con người, không cản trở tự do ngôn luận, không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của cá nhân, tổ chức như những thông tin trên mạng xã hội, blog, web phản động tuyên truyền, xuyên tạc. Thực hiện đúng Luật nghĩa là bảo vệ chính mình, người thân và gia đình, đồng thời, góp phần bảo vệ an ninh mạng quốc gia.
Ba là, Nhà nước sớm nghiên cứu ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ rõ: “Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên MXH cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”(6).
Mặc dù việc điều chỉnh hành vi và xử lý những vi phạm của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng đã được quy định cụ thể trong Luật An ninh mạng 2018. Tuy nhiên, vẫn cần thiết ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, bởi quy tắc ứng xử không đưa ra chế tài xử lý như luật, chỉ đưa ra những chuẩn mực thái độ, hành vi ứng xử, có tác dụng định hướng, điều chỉnh, khuyến khích hoặc khuyến cáo, cảnh báo, nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế tác động tiêu cực, nâng cao văn hóa ứng xử cho người dùng MXH.
Theo đó, bộ quy tắc ứng xử trên MXH sẽ đưa ra các quy tắc chung bao gồm: tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn. Các quy tắc riêng đối với các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng phải tuân thủ theo các mức độ: nên/không nên, được/không được. Chẳng hạn, người dùng MXH là cán bộ - viên chức - người lao động trong cơ quan nhà nước không được ứng xử trái với các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; hoặc người dân sử dụng MXH nên lên tiếng ủng hộ, chia sẻ những thông tin tích cực; dùng MXH có văn hóa; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực.
Bốn là, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh; phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức, cơ quan, nhà trường và gia đình trong xây dựng văn hóa ứng xử trên MXH
Các cơ sở giáo dục đưa nội dung giáo dục an ninh mạng, an toàn thông tin vào chương trình dạy học phù hợp với ngành học, cấp học. Thực hiện Đề án “xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường giáo dục, xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự, bồi dưỡng các kỹ năng ứng phó với các tình huống trên MXH. Sáng tạo những phong trào tương tự như phong trào “Giờ trái đất”, “Mùa hè xanh”,... Chỉ rõ những trào lưu tiêu cực, phản văn hóa trên MXH và các biện pháp phòng, tránh.
Cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh phải mẫu mực trong văn hóa ứng xử trên MXH cho học sinh, sinh viên noi theo. Các bậc cha mẹ cần có biện pháp quản lý chặt chẽ khi con em tham gia MXH nhưng không ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân, có những lời khuyên hữu ích, yêu cầu kê khai trung thực những tài khoản, kết bạn với con cái để có thể nhìn thấy được những bài viết, lời bình luận, thái độ và chia sẻ của con cái mình với bạn bè và có những tác động điều chỉnh khi cần thiết.
Năm là, sử dụng các giải pháp về công nghệ hỗ trợ cho xây dựng văn hóa ứng xử trên MXH
Ngoài việc áp dụng luật, quy tắc ứng xử, chế tài cụ thể, cần sử dụng các giải pháp về công nghệ, chẳng hạn như bảo mật thông tin cá nhân trên mạng, giữ bí mật mật khẩu, đặt chế độ cá nhân hoặc chỉ bạn bè thân thiết và tin cậy mới có thể xem; nghiên cứu sử dụng phần mềm lọc, ngăn chặn thông tin xấu, độc khi mới được đăng tải; nhờ các chuyên gia công nghệ thông tin tư vấn cách sử dụng MXH an toàn. Cơ quan chuyên trách nghiên cứu thành lập bộ phận chuyên tìm kiếm những bài đăng sai sự thật, xúc phạm người khác, những hình ảnh phản cảm, gửi tới nhà cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia, các MXH mà người dùng đăng tải và yêu cầu gỡ bỏ.
Như vậy, MXH thực sự là một bộ phận quan trọng trong “hệ sinh thái mới”, mang đến cho con người những lợi ích không hề nhỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng MXH cũng ẩn chứa những mặt trái tạo nên những nguy cơ biến đổi văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử trên MXH nói riêng mà giới nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách và mỗi người cần quan tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét