“Báo cáo nhân quyền quốc gia năm 2019” mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 11-3 vừa qua gồm 7 phần, đề cập tới tình hình Việt Nam, trong đó đưa ra những chỉ trích vô căn cứ về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Đáng chú ý, báo cáo này cho rằng vấn đề nghiêm trọng nhất ở Việt Nam là hạn chế các quyền tự do, bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet và tự do tôn giáo. Đây là những luận điệu không mới, trước hết bởi nó vẫn sa lầy trong cách nhìn nhận “không trúng và không đúng” sự thật. Dù đã “xuống tông” so với những báo cáo trước đây và thừa nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, song báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam 2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chứa đựng những nhận định thiếu khách quan, được chắp vá bằng những thông tin không chính xác, phản ánh sai lệch về tình hình thực tế.
Trước hết, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là những vấn đề trọng tâm trong triển khai Hiến pháp năm 2013, trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội cũng như trong thực tiễn đời sống ở Việt Nam. Từ đó đến nay, Việt Nam cũng đã bổ sung, sửa đổi và ban hành nhiều chính sách, văn bản luật với mục tiêu mọi người dân được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp.
Sự lỗi thời và già nua của một “con chíp nhân quyền”
Ảnh minh họa/TTXVN.
Chẳng hạn về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng, với 16 tôn giáo và 13,2 triệu tín đồ tôn giáo. Quyền tự do tôn giáo chính đáng được nhà nước bảo hộ, các tín đồ tôn giáo được tự do thực hiện các nghi lễ tôn giáo, tự do thực hành các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo được tổ chức. Tính từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã 3 lần tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc. Mỗi lần như vậy đều có sự tham gia của hàng nghìn chức sắc, lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu, học giả, hạng vạn tín đồ Phật tử đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ Việt Nam cũng tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo in ấn, phát hành kinh sách, xuất bản các tạp chí liên quan tới tôn giáo, từ đó có thể bày tỏ đức tin tôn giáo của mình. Việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc hơn để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình.
Ấy vậy mà, một lần nữa sự thật lại bị xuyên tạc, bóp méo!
Hay như trong lĩnh vực thông tin truyền thông, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi, ban hành nhiều văn bản luật, như: Luật Báo chí sửa đổi (2016); Luật Tiếp cận thông tin (2013); Luật An ninh mạng (2018)… Ngoài ra còn có nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (2018). Những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy quyền sử dụng internet cũng được thế giới ghi nhận khi luôn đứng trong nhóm các quốc gia có lượng người sử dụng internet cao trên thế giới. Theo thống kê gần nhất thì hiện nay số người Việt Nam sử dụng mạng xã hội (MXH) facebook lên tới hơn 60 triệu người. Cùng với đó, hệ thống báo chí phát triển mạnh mẽ, với sự ra đời của nhiều tờ báo, tạp chí cả bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Người dân thậm chí có thể dễ dàng tiếp cận với đủ loại thông tin từ các hãng thống tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: Reuters, Kyodo, AFP, NHK… ngay trong chính ngôi nhà của mình. Chỉ riêng những ví dụ đó đủ cho thấy, cáo buộc mà Bộ Ngoại giao Mỹ nêu trong Báo cáo nhân quyền 2019 rằng Việt Nam hạn chế quyền tự do ngôn luận, báo chí, internet là hoàn toàn vô căn cứ và phi lý, không phản ảnh đúng hiện thực sinh động tại Việt Nam.
Ngày nay, báo chí là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân, là diễn đàn ngôn luận của các tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân Việt Nam. Internet nói chung, MXH nói riêng cũng dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu-thứ vũ khí sắc bén của những người dùng thông minh, là nơi để họ đóng góp tiếng nói xây dựng một xã hội văn minh, công bằng, chung tay bảo vệ những người yếu thế. Không ít những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược đạo đức và lối sống của người Việt Nam, như: Tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, kinh doanh bất hợp pháp, cướp của, bảo kê... cho đến lối sống vô cảm, lai căng, sùng ngoại... đã bị các “tín đồ thường trực” trên mạng phanh phui, lên án. Có thể nói, đó thực sự là tự do ngôn luận của những người thông thái và trách nhiệm.
Tuy nhiên, “thế giới ảo” đang vươn mình với con dao hai lưỡi. Internet và MXH nhiều khi lại tiếp thêm công cụ cho những kẻ đã và đang có âm mưu chống lại Nhà nước Việt Nam, làm tổn thương các quyền và lợi ích của nhân dân Việt Nam. Thực tế cho thấy, ngay cả những quốc gia lâu nay luôn ra rả về tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng không ít lần trở thành nạn nhân của sự tự do internet quá trớn, của những thông tin sai sự thật trên MXH. Nói vậy để thấy rằng, dù là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận hay quyền gì đi nữa cũng cần đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm, luôn phải nằm trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và pháp luật, trước hết là nhằm ngặn chặn kẻ xấu xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cũng như quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người khác. Ở Việt Nam, sự ra đời của Luật An ninh mạng cũng không nằm ngoài mục đích ấy.
Còn những kẻ đòi hỏi “nhân quyền hoàn hảo” trên internet, thực chất chỉ có thể là những kẻ sẵn sàng phá rào luật pháp, sự ổn định của đất nước cũng như những chuẩn mực đạo đức và văn hóa.
Bàn về nhân quyền, cũng chẳng cần lớn tiếng rao giảng bằng những câu từ “đao to búa lớn” mà hãy nhìn vào hành động của Chính phủ và người dân Việt Nam khi đang dồn mọi nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt những ngày qua. Trong cuộc chiến ấy, cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, với tinh thần sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế, nhưng “không để ai bị bỏ rơi, không ai bị bỏ lại phía sau”, còn có sự tham gia của toàn quân, toàn dân và các lực lượng chức năng. Không khó để có thể tìm thấy trên MXH hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam dãi gió dầm mưa trong rừng để nhường doanh trại, nhường chăn ấm cho các công dân thực hiện cách ly; cũng khó ai có thể quên, khi Chính phủ quyết định đưa máy bay đến vùng tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) để đón công dân về nước, rồi lại quyết định cấp kinh phí bảo đảm ăn uống cho người cách ly (trong đó có cả những người nước ngoài); khám, chữa bệnh miễn phí cho các trường hợp không may nhiễm bệnh; rồi hình ảnh các văn nghệ sĩ, doanh nhân... tích cực quyên tiền, vật chất cùng góp sức với Chính phủ chống dịch; các chủ khách sạn, khu nghỉ dưỡng tự nguyện biến nơi kinh doanh của mình thành các điểm cách ly miễn phí. Với người dân, họ thể hiện trách nhiệm của mình bằng cách tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, phê phán những hành động trục lợi, “thừa nước đục thả câu” trong giai đoạn cả nước đang “chống dịch như chống giặc”. Tất cả những việc làm trên đang diễn ra tại Việt Nam-điều mà nhiều quốc gia trên thế giới chưa làm được. Những hình ảnh sinh động và thực tế đó là sự hiện thân về nỗ lực cao độ của cả đất nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền sống-quyền cao nhất của con người?
Cũng cần phải nói thêm rằng, người dân Việt Nam và cả du khách nước ngoài đồng lòng, chung sức chống dịch bởi họ đều cảm nhận rõ trong thời điểm nước sôi lửa bỏng này, họ được chăm sóc với những điều kiện tốt nhất có thể. Tính mạng và sức khỏe của họ và những người xung quanh được Chính phủ và toàn xã hội ưu tiên hàng đầu. Sự thật như vậy, vì cớ gì mà không thừa nhận?
Một điều cần nói rõ nữa là: Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2019 không chỉ vi phạm quy định về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác đã được đề cập trong Hiến chương Liên hợp quốc mà nguy hại hơn nó có thể tiếp tục trở thành cái cớ để các thế lực cơ hội chính trị, thù địch với Việt Nam, các tổ chức phản động tìm cách cản trở bước phát triển chung của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Để cho ra đời một chiếc điện thoại ưu việt và theo kịp thời đại, các hãng công nghệ của Mỹ luôn phải tìm tòi phát triển những con chíp có tốc độ xử lý nhanh nhất, mạnh nhất. Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vậy, rất cần cách nhìn nhận sát với những bước phát triển ở Việt Nam thay vì tiếp tục dựa vào đánh giá chậm chạp từ một “con chíp nhân quyền” đã quá già nua và lỗi thời.
VŨ HÙNG