Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta thừa nhận “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Tình trạng tham nhũng được Đảng ta đánh giá là nghiêm trọng thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những yếu tố thuộc về văn hóa truyền thống của Việt Nam vẫn tạo ra những mảnh đất thuận lợi cho tham nhũng được dung dưỡng, củng cố. Vì vậy, nhận diện những nét văn hóa này là cần thiết để chúng ta có những biện pháp loại bỏ chúng, từ đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội.
Tham nhũng là hành vi lệch chuẩn của những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động chung để kiếm lợi bất chính. Tham nhũng có hai hình thức cơ bản: biến của công thành của tư (tham ô, biển thủ tài sản) và nhận hối lộ. Tham nhũng qua hình thức nhận hối lộ chỉ xảy ra khi có 2 tác nhân là bên đưa và bên nhận. Do đó, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả phải bắt đầu từ cả người nhận và người đưa hối lộ.
Đối với người tham nhũng, tham nhũng thực chất là hành vi thiếu văn hóa mà nguyên nhân là sự phai nhật lý tưởng như đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tư tưởng, văn hóa Trung ương khẳng định: “Chúng ta thấy hiện tượng quan liêu, tham nhũng, lãng phí tăng lên, chúng ta tìm cách ngăn chặn bằng cơ chế chính sách, kiểm tra, giám sát... điều đó là cần thiết nhưng cái gốc vẫn là sự phai nhạt lý tưởng. Cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm này, khuyết điểm khác trước hết vẫn là lý tưởng không rõ ràng, vướng vào ăn chơi, hưởng thụ”(1). Đó là lý tưởng cách mạng, phấn đấu tận tụy phục vụ nhân dân. Lý tưởng sống và cống hiến cho sự hạnh phúc chung của nhân dân bị phai nhạt thì lòng tham vật chất cho cá nhân phát triển là nguyên nhân bên trong mạnh mẽ thôi thúc tham nhũng. Max Weber khẳng định: “Ham muốn chiếm hữu, ham muốn chạy theo danh lợi, chạy theo tiền bạc, càng nhiều tiền càng tốt... đã từng tồn tại và đang tồn tại nơi những người hầu bàn, người bác sĩ, người đánh xe ngựa, người nghệ sĩ, người đàn bà lẳng lơ, người công chức tham ô nhũng lạm, người lính, kẻ ăn trộm, kẻ viễn chinh, kẻ cờ bạc, kẻ ăn mày”(2).
1. Văn hóa truyền thống có những nét tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng phát triển
Văn hóa truyền thống của Việt Nam dựa trên nền tảng là nền nông nghiệp trồng lúa nước, đặc biệt là nền sản xuất nông nghiệp nhỏ. Điều này dẫn tới biểu hiện tiêu cực là tâm lý tư lợi, thu vén cá nhân, chỉ lo việc của cá nhân mình theo kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “việc ai người ấy lo, bè ai người ấy chống”, không quan tâm đến những người xung quanh “của mình thì giữ bo bo, của người thì để cho bò nó ăn”. Tâm lý này nảy sinh do sản xuất nông nghiệp nhỏ, người nông dân tự phải lo liệu mọi việc trong mảnh ruộng của mình. Lo vun vén cho cá nhân, bản thân của người có tâm lý tiểu nông mang tính chất tủn mủn, vụn vặt, chỉ tính đến cái ăn ngay, trước mắt theo kiểu “được đâu hay đó”, “méo mó có hơn không”, “tham bát bỏ mâm”. Cái nghèo đói, thiếu thốn quanh năm của nông dân trên nền tảng sản xuất nhỏ khiến họ luôn quan tâm đến những lợi ích của bản thân khi có điều kiện, dù là rất nhỏ, thậm chí vì mối lợi nhỏ nhặt trước mắt mà quên đi cái lợi lớn, lâu dài. Chính vì tâm lý tư lợi cá nhân tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức có chức, có quyền nên họ đã lợi dụng quyền hạn để kiếm lợi bất chính. Tư lợi kiểu tiểu nông dẫn tới những hành vi tham nhũng vặt phổ biến trong xã hội, hễ có cơ hội là tham nhũng dù số tiền không lớn.
Hành vi tham nhũng còn được củng cố thêm bởi tâm lý tùy tiện, thiếu tôn trọng pháp luật, trọng lệ hơn luật ở đội ngũ người có chức vụ, quyền hạn. Tâm lý thiếu tôn trọng pháp luật bắt nguồn từ trong văn hóa truyền thống, trên nền tảng sản xuất nông nghiệp nhỏ nên không đòi hỏi sự phân công, phối hợp trong sản xuất, sản xuất độc lập, trồng cái gì, lúc nào tùy vào ý thích của người nông dân, thích thì làm, không thích thì nghỉ, tùy tiện, vô nguyên tắc. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp lúa nước, sống ổn định ở một nơi, cả đời sống trong làng với những mối quan hệ xóm giềng, họ hàng thân thích đã quá quen biết nhau nên đối xử bằng chữ tình, dẫn tới cái lý, pháp luật, nguyên tắc bị xem nhẹ. Chạy theo lợi ích cá nhân cộng với việc thiếu tôn trọng pháp luật dẫn tới những hành vi tham nhũng, lạm dụng quyền lực, vi phạm pháp luật để kiếm những mối lợi bất chính cho cá nhân và gia đình.
Hành vi tham nhũng thông qua nhận hối lộ không thực hiện được nếu người dân, các nhà doanh nghiệp không chịu đưa hối lộ cũng như tố cáo nếu bị ép buộc phải đưa hối lộ. Tuy nhiên, văn hóa truyền thống của nước ta chứa đựng nhiều phong tục tập quán dễ bị lợi dụng để biện minh, ủng hộ cho hành vi tham nhũng. Thí dụ như: tập quán “miếng trầu là đầu câu chuyện”, đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, kể cả tâm lý phục tùng vô điều kiện cấp trên... dẫn tới việc quà cáp, biếu xén đối với người có ân huệ với mình, đã dành cho mình những mối lợi. Tâm lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã trở thành điều bình thường mà mọi người dễ dàng chấp nhận, là mảnh đất thuận lợi cho tệ tham nhũng vặt tồn tại. Tuy nhiên, ngày nay, điếu thuốc, miếng trầu là cả hàng nghìn đô la, là cổ phiếu, cổ phần, là căn hộ... thì đó không còn là một tập tục tốt đẹp nữa mà đã bị lạm dụng thành hành vi tham nhũng cần phải được lên án. Xã hội đang hình thành một tâm lý mặc nhiên thừa nhận những hành vi tham nhũng, tiêu cực, chấp nhận việc lo lót đối với một số cán bộ, công chức để giải quyết công việc, coi việc lo lót như là sự trả ơn khi làm giấy tờ liên quan đến đất đai, để được khám chữa bệnh, thầy cô quan tâm đến con cái, nhận trợ cấp xã hội... Kết quả điều tra xã hội học do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thuỵ Điển (SIDA) và Ban Nội chính Trung ương tiến hành cho thấy 41% người dân được hỏi cho rằng việc đưa quà cáp chỉ là món quà nhỏ để cảm ơn người đã giúp đỡ mình giải quyết công việc, 39,1% người dân tự nguyện hoặc chấp nhận việc đưa tiền mỗi khi đến cơ quan công quyền để được thực hiện ngay cả những quyền lợi chính đáng nhất của mình(3). Đối với nhiều người dân, việc đưa hối lộ là chuyện bình thường, không hối lộ là không biết điều, không biết chơi. Khi công việc của họ không thuận lợi thì cái đầu tiên họ nghĩ đến chính là sự không biết điều, biết chơi ấy.
Tham nhũng ở nước ta có mảnh đất thuận lợi để dung dưỡng và củng cố còn do truyền thống duy tình. Người Việt Nam thường dựa vào các mối quan hệ để làm ăn cũng như giải quyết công việc. Văn hóa kinh doanh Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng thường dựa theo mối quan hệ cá nhân, có tới 70% doanh nghiệp tự động đưa hối lộ để được giải quyết công việc nhanh chóng, có 51% doanh nghiệp trả lời sẽ nhờ người có ảnh hưởng tác động để giải quyết khi đối mặt với hành vi tham nhũng vặt của công chức(4). Văn hóa nặng tình nhẹ lý, coi thường pháp luật cộng với tâm lý tư lợi cá nhân chạy theo lợi ích trước mắt, muốn giành được những ưu thế thuận lợi hơn các đối thủ khác trong cạnh tranh đã dẫn tới các doanh nghiệp chủ động lo lót, hối lộ quan chức. Các doanh nghiệp chủ động hối lộ để giành lợi thế trong sản xuất kinh doanh, như: được chọn là nhà cung cấp đủ điều kiện hoặc trúng thầu hoặc để đẩy nhanh các dịch vụ công đang tiến triển chậm chạp. Doanh nghiệp cho rằng, đây là cách giải quyết công việc nhanh nhất và dễ thực hiện nhất, chi phí đó rất nhỏ so với lợi ích công việc mang lại(5). Ngay kể cả những doanh nghiệp dù không chủ động đưa hối lộ, bị vòi vĩnh nhưng họ không tố cáo mà chấp nhận cho qua chuyện cũng do tâm lý “dĩ hòa vi quý”, ngại đấu tranh, đấu tranh thì tránh đâu, họ vẫn còn phải tiếp tục giao dịch, làm việc với những công chức đầy quyền hành chi phối đến hoạt động kinh doanh của mình.
Những người đồng nghiệp cùng công tác với những quan chức, những người có quyền hạn là những người dễ phát hiện những hành vi tham nhũng nhất. Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng của nhiều tập tục trong văn hóa truyền thống mà những người này đôi khi biết và có những bằng chứng về các hành vi tham nhũng của người khác, của đồng nghiệp, cấp trên của mình nhưng cũng không tố giác. Do truyền thống văn hóa ứng xử của người Việt Nam là vẫn nặng chữ tình, chuộng sự yên hàn, nhàn nhã, trong ấm ngoài êm, thái độ dĩ hòa vi quý “đóng cửa bảo nhau”, tố giác đồng nghiệp được cho là cạn tàu ráo máng, có lý nhưng không có tình nên họ không tố giác. Với những đồng nghiệp thực dụng còn có tư tưởng “hoa thơm mọi người cùng hưởng”, cấu kết với nhau để chia chác tài sản công. Đặc trưng văn hóa truyền thống này cộng thêm với tâm lý tư lợi cá nhân, “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, tham nhũng là tham nhũng của chung, tài sản chung chứ phải đâu riêng ai, cũng chẳng phải tài sản của riêng mình nên không đấu tranh.
Khi tham nhũng được coi là “chuẩn mực văn hóa”, người ta chấp nhận sống chung với nó, cho đó là chuyện bình thường thì phòng, chống tham nhũng là thách thức khó vượt qua. Do đó, đi tìm những giải pháp để phòng, chống tham nhũng từ góc độ văn hóa truyền thống mới là giải pháp căn cơ, gốc rễ cùng với các giải pháp khác mới có thể xóa bỏ tận gốc, triệt để tham nhũng.
2. Khắc phục những hạn chế của văn hóa truyền thống góp phần phòng, chống tham nhũng
Thứ nhất, giáo dục, xây dựng văn hóa, đạo đức công vụ cho những người có chức vụ, quyền hạn - chủ thể của hành vi tham nhũng
Để thay đổi tâm lý tư lợi cá nhân, thiếu tôn trọng pháp luật, suy giảm về lý tưởng cách mạng là nguồn gốc của hành vi tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức - những người có điều kiện để thực hiện hành vi tham nhũng thì cần phải quan tâm giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ. Đạo đức cách mạng chống lại chủ nghĩa cá nhân, loại bỏ dần nét tâm lý cá nhân thu vén, tư lợi. Nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng là chủ nghĩa tập thể, mình vì mọi người. Khi những người mang những trọng trách, quyền hạn có đạo đức cách mạng, họ sẽ làm việc, phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp, vì nước, vì dân, từ đó sẽ không có hành vi tham nhũng, vụ lợi cá nhân bằng cách xâm phạm lợi ích của tập thể, đất nước và nhân dân. Vì vậy, trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp cần tăng cường các nội dung về đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ, về bổn phận và trách nhiệm của họ. Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trong pháp luật, phục vụ nhân dân là trách nhiệm và bổn phận của họ, những người hưởng lương từ nhân dân trao cho chứ không phải là sự ban ơn cho người dân để họ phải được nhận những khoản hoa hồng, bồi dưỡng. Ngoài ra, để khắc phục tâm lý coi thường pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức dẫn tới dám bẻ cong pháp luật để vụ lợi, tham nhũng cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đội ngũ này. Trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, ngoài các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động công vụ, cần tuyên truyền các pháp luật khác tùy theo lĩnh vực, ngành nghề của cán bộ, công chức.
Hiểu được những quy định của pháp luật, nội dung của đạo đức công vụ, đạo đức cách mạng, lý tưởng cách mạng mới chỉ là bước đầu tiên trong việc loại bỏ hành vi tham nhũng. Vấn đề quan trọng hơn nhưng khó khăn hơn là phải làm cho những quy định đó trở thành sự thôi thúc bên trong, trở thành sự bức thiết phải thực hiện từ bên trong mỗi cán bộ, công chức. Vì vậy, ngoài tuyên truyền, giáo dục cần xây dựng các quy tắc, chuẩn mực cụ thể trong thực hiện công việc cụ thể của từng cán bộ, công chức và phải có sự giám sát chặt chẽ từ tổ chức, xã hội, người đứng đầu với cơ chế khen thưởng và kỷ luật rõ ràng, để họ phải nghiêm túc thực hiện. Sự thực hiện mang tính cưỡng chế từ bên ngoài nhưng thực hiện nhiều lần, liên tục sẽ dần dần trở thành hành động tự nguyện, từ bên trong, sẽ trở thành văn hóa.
Thứ hai, giáo dục, tuyên truyền xóa bỏ những nét hạn chế của văn hóa truyền thống trong nhân dân, từ đó góp phần vào phòng, chống tham nhũng
Khi người dân không chịu đưa hối lộ thì quan chức cũng khó mà thực hiện hành vi tham nhũng. Vì vậy, xây dựng văn hóa nói không với tham nhũng trong nhân dân là rất cần thiết để phòng, chống tham nhũng. Đối tượng trước hết là các doanh nghiệp, cần chú ý xây dựng văn hóa kinh doanh minh bạch, liêm chính gắn liền với việc xây dựng uy tín, thương hiệu doanh nghiệp. Những doanh nghiệp với tư duy ngắn hạn, trước mắt và chạy theo lợi ích cá nhân, họ muốn tìm kiếm cơ hội, lợi nhuận bằng cách đưa hối lộ, đi cửa sau để được ưu ái, cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, thực chất, điều này không tạo ra sự phát triển lâu dài, bền vững cho doanh nghiệp, vì họ tốn kém nhiều chi phí không chính thức trong khi không nâng cao được chất lượng dịch vụ, sản phẩm của mình. Vì vậy, nếu xóa bỏ được những tàn dư này trong văn hóa truyền thống, các doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, tinh thần tôn trọng pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, công bằng họ sẽ không “chủ động” tìm cách móc nối, đưa hối lộ cho quan chức, mà tập trung phát huy nội lực của chính mình, nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ và sản phẩm nhằm tạo ra thương hiệu, uy tín để cạnh tranh với các đối thủ khác. Do đó, cần tuyên truyền trong doanh nghiệp về tác hại của tham nhũng đối với sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp, về tinh thần tôn trọng pháp luật, cạnh tranh bình đẳng, về chú ý quan tâm đến xây dựng thương hiệu doanh nghiệp... Từ đó, dần hình thành văn hóa kinh doanh liêm chính. Cùng với tuyên truyền, các cơ quan quản lý, các hiệp hội tập hợp cộng đồng các doanh nghiệp cần xây dựng những quy định cụ thể trong ứng xử với khu vực công trong hoạt động kinh doanh để các doanh nghiệp cam kết thực hiện, có các biện pháp giám sát trong doanh nghiệp và giám sát giữa các doanh nghiệp với nhau trong thực hiện các quy định này.
Để xây dựng văn hóa nói không với tham nhũng trong nhân dân cần khắc phục tâm lý duy tình, dựa vào mối quan hệ trong mọi công việc, giao dịch của người dân. Việc quà cáp thăm hỏi nhau hay cho tặng quà cảm ơn ai đó giúp đỡ mình là tập tục truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không dựa trên một nền tảng pháp lý vững chắc thì sẽ dễ bị lợi dụng để tiến hành các hoạt động tham nhũng. Vì vậy, để thay đổi thói quen dựa vào các mối quan hệ để giải quyết công việc cần nâng cao ý thức tuân thủ và tôn trọng pháp luật của người dân. Trong các dịch vụ công cung cấp bởi các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, cần chú ý tuyên truyền giáo dục cho người dân hiểu rõ những quy định về quyền, trách nhiệm của họ cũng như của các cá nhân, tổ chức cung ứng, tránh lẫn lộn giữa trách nhiệm với sự ban ơn, giúp đỡ. Tuy nhiên, vì tư lợi cá nhân, muốn giải quyết công việc nhanh chóng, cộng với việc có những mối quan hệ nhất định, một số cá nhân có thể dù vẫn biết quyền của mình nhưng sẵn sàng chi thêm các chi phí bôi trơn, quà cáp thêm... tạo thuận lợi cho hành vi tham nhũng phát triển. Do đó, cần tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân thấy rõ tác hại của tham nhũng đối với sự phát triển chung của đất nước, trách nhiệm của công dân trong việc góp phần tham gia vào phòng, chống tham nhũng, kiên quyết không hối lộ và từ chối những gợi ý hối lộ. Tóm lại, chỉ có nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, đề cao pháp luật và tinh thần trách nhiệm cá nhân với đất nước mới có thể xóa bỏ dần tâm lý duy tình, dựa vào các quan hệ của nhân dân, cơ sở để nảy sinh các hoạt động tham nhũng.
Thói quen “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh, ngại đấu tranh cộng với tâm lý tư lợi cá nhân, muốn yên ổn tấm thân, việc thiên hạ sao mặc kệ miễn không đụng tới mình đã làm cho cả nhân dân và những cán bộ, công chức, viên chức không tích cực đấu tranh phát hiện tham nhũng, biết hoặc bị vòi vĩnh cũng không tố giác. Vì thiếu trách nhiệm trước cộng đồng, tập thể nên ai ăn cắp tài sản cá nhân họ thì họ hô hoán lên nhưng ăn cắp tài sản công thì dù biết họ cũng cho qua. Do đó, để thay đổi nét văn hóa truyền thống này thì chỉ tuyên truyền, giáo dục một cách kiên trì, bền bỉ cho người dân dám đấu tranh vì lẽ phải, sự công bằng, có trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng, đất nước. Do đó, cần chú ý giáo dục trách nhiệm công dân đối với mọi người dân. Đồng thời, Nhà nước cần có biện pháp khuyến khích người dân thực hiện trách nhiệm công dân, như: khen thưởng tương xứng về vật chất, tôn vinh về mặt tinh thần đối với những người thực hiện tốt trách nhiệm công dân, dám đấu tranh phát hiện tham nhũng,
Tham nhũng về bản chất là hành vi vi phạm pháp luật vì mục đích vụ lợi. Nguyên nhân xuất hiện tham nhũng là do lòng tham cộng với sự coi thường pháp luật. Đồng thời, chính tâm lý tư lợi cá nhân, thói quen dựa vào các quan hệ, duy tình, coi thường pháp luật khiến một bộ phận nhân dân sẵn sàng hối lộ là mảnh đất thuận lợi dung dưỡng cho tham nhũng phát triển. Do đó, để xóa bỏ triệt để tham nhũng phải chú ý đến thay đổi văn hóa trong đội ngũ những người có chức vụ, quyền hạn và nhân dân. Khi tất cả mọi người đều có tinh thần thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, tôn trọng lợi ích của người khác, thực hiện lợi ích cá nhân chính đáng theo quy định của pháp luật thì sẽ không còn cơ sở văn hóa cho hành vi tham nhũng. Thay đổi từ nền văn hóa duy tình, nặng tình sang một nền văn hóa có lý, có tình, tình đặt dưới lý là một công cuộc rất gian nan, đòi hỏi phải có những biện pháp tuyên truyền giáo dục thấu đáo, thuyết phục, kiên trì kết hợp với các chế tài khen thưởng và xử phạt để dần dần thay đổi tâm lý, thói quen và cả suy nghĩ của mọi người trong xã hội.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 4-2019
(1) Nguyễn Khoa Điểm: Lý tưởng phai nhạt thì chủ nghĩa cá nhân xuất hiện, Báo Nhân Dân, ngày 4-3-2004.
(2) M.Weber: Đạo đức Tin lành và Tinh thần chủ nghĩa tư bản, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008, chương 2
(3), (4), (5) Đinh Văn Minh, Phạm Thị Huệ: Vấn đề tham nhũng trong khu vực tư ở Việt Nam hiện nay, Nxb Tư pháp, 2016, tr. 188, 47, 188.
ThS Hà Thị Thùy Dương
Học viện Chính trị khu vực IV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét