Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Mệnh lệnh từ trái tim

Em đứng cách bố mẹ rất xa và chỉ nhìn được họ trong khoảng ba giây, một tay vẫy chào vì không thể lại gần và chạm vào bố mẹ, một tay cầm điện thoại và nói: “Con sống rồi”. Và đúng khi đặt chân xuống Nội Bài, em gần như cảm giác chưa bao giờ em ham sống đến thế và mong muốn trở về quê hương đến như vậy.
Đó là một đoạn tin nhắn mà mình nhận được vào ngày hôm trước của một bạn du học sinh từ châu Âu về Việt Nam. Trước đó, bạn ấy gửi cho mình những tấm ảnh có hàng dài người Việt xa xứ xếp hàng dài đợi lên tàu bay kèm theo một lời nhắn nhỏ:
Em về Việt Nam đây, em sẽ tuân thủ cách ly, sẽ đợi đủ 14 ngày và thêm 14 ngày nữa, em nhất định sẽ đến tham gia lễ Thượng cờ và hát Quốc ca tại Lăng Bác, điều mà em chưa từng làm trong bấy nhiêu năm qua.
Mình biết một bác người Việt sống và định cư tại Mỹ, bác kể rằng trong một lần đi chợ thì bị một người Mỹ kì thị và nhầm tưởng là người Trung Quốc. Bác nói: Thấy không, kì thị và ngu dốt ở khắp mọi nơi, lúc ấy, bác lái xe mà trào cả nước mắt. Chồng bác bảo: Sao không ho vào mặt chúng nó luôn?
Rồi bác bảo với tụi mình: “Việt Nam chống dịch kiên cường, người Việt ở Mỹ kiên cường phòng thân”.
Hôm trước, mình xem một đoạn clip nhỏ được quay lại nói về việc một số bác từ châu Âu trở về kêu than về việc xử lý chậm chạp, đồ ăn dở tệ và đợi quá lâu để đến khu cách ly, một số ý kiến khác cho rằng việc cách ly là không an toàn và không khác gì để những người đang ủ bệnh lây sang cho những người chưa nhiễm bệnh.
Mình để ý đến một chi tiết, bác ấy nói rằng ngay khi đáp xuống sân bay đã hỏi anh an ninh sân bay rằng bao lâu thì có xe đến đón, và sau khoảng 8 giờ đồng hồ, bác ấy hỏi lại và mắng anh: “Tại sao lại chậm trễ như vậy? Chúng tôi đã đợi quá lâu và quá mệt mỏi rồi. Lúc vừa xuống sân bay, anh đã bảo rằng sẽ có xe đến buổi sáng hoặc chậm nhất là buổi trưa mà”. Anh ấy chỉ nói lại nhỏ nhẹ: “Bác thông cảm, xe phải đạt tiêu chuẩn mới cho mọi người đi được…”. Tức là anh ấy đã đứng đợi cùng mọi người cùng toàn bộ thời điểm ấy và rõ ràng phải đảm bảo an toàn cho mọi người mới để mọi người đến khu cách ly được. Có thể, anh ấy đã đến sớm để đợi mọi người và sẽ ra về sau khi mọi người rời đi. Dĩ nhiên, mình không chắc chắn về luận điểm lắm vì chỉ phỏng đoán qua câu chữ thôi.
Nhưng có thể phỏng đoán của mình không sai, vì mới đây, khoảng 100 “bác sĩ chưa ra trường” bao gồm các sinh viên năm cuối của Đại học Y Hà Nội đã được đào tạo để “điều động” vào công tác chống dịch tại sân bay Nội Bài vốn đang quá tải và rất nhiều cán bộ đang làm việc quá sức và cố gắng từng ngày từng giờ.
Trong quá khứ, chúng ta từng có lớp lớp sinh viên Bách Khoa, Xây Dựng, Quốc Gia… và nhiều trường đại học, cao đẳng khác vác súng ra chiến trường. Nói để thấy, không phải là để so sánh, rằng những bạn sinh viên Y bây giờ không đến mức vào sinh ra tử như hồi ấy, mà mình nghĩ, lao đến một nơi không phải ai cũng dám lao để làm những điều vĩ đại thì không phải ai cũng dám làm.
Có người bảo: Cho người Việt về Việt Nam đồng nghĩa với việc “chở” dịch bệnh về.
Điều này, nếu xét về nghĩa đen thì không sai, nếu ai chú ý sẽ thấy, từ ca nhiễm số 17 đến các ca nhiễm hiện tại đều có nguồn gốc trực tiếp hoặc gián tiếp với những người từ nước ngoài trở về. Điều này Chính phủ có lường trước được không? Chắc chắn là có.
Có thể Chính phủ Việt Nam đã phải đặt lên bàn cân rằng: Một bên là sự an toàn của hàng trăm triệu con người, một bên khác là hàng chục ngàn người Việt có thể mang trong mình Covid-19. Nhưng chúng ta không chọn riêng bên nào cả, chúng ta chọn cả hai.
Đồng bào là đồng bào!
Những câu chuyện mình nói ở trên chắc chắn sẽ không có thực nếu vào giai đoạn trước, chúng ta tạm ngừng các hoạt động bay sau khi đã kiểm soát giới hạn biên giới với phía Trung Quốc. Có thể mô tả ngắn gọn bằng hành động “ngoại bất nhập”, nếu đúng như thế, sẽ không có thêm bệnh nhân bị nhiễm, không phải lo lắng, không phải căng mình chống dịch tốn kém tiền của nữa.
Và dĩ nhiên, làm như vậy, đợi đến ngày 10/03, chúng ta có thể tuyên bố hết dịch và bây giờ là mặc kệ thế giới ra sao thì ra.
Ngày hôm qua, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm mới ở mốc tối thiểu 2 con số, cũng là ngày có hơn 8000 người Việt trở về từ những chuyến bay xuất phát ở những nơi xa xôi như châu Âu hay gần hơn là ở trong khối ASEAN. Theo chủ tịch Chung, có thể trong những ngày tới, sẽ có 10 ngàn người trở về Việt Nam tránh dịch.
Bạn du học sinh còn kể, khi ở trên máy bay, anh tiếp viên có nói với bạn ấy rằng: “Sắp về đến nhà rồi, gắng chút nữa thôi, ở nước ngoài, người ta có thể bỏ rơi mình, nhưng ở Việt Nam thì không”.
Bạn ấy thấy dòng chữ vàng treo trên chiếc xe biển đỏ đưa người dân đi cách ly: “Quyết thắng đại dịch”.
Trong đoạn cuối của tác phẩm điện ảnh Inception, nhân vật Cobb do Leonardo Dicaprio đã trở về quê hương sau bao nhiêu năm, nhân vật hải quan đóng dấu đã nói với Cobb: “Welcome home, Mr Cobb”.
“Cho dù có bất cứ thứ gì chặn đường chúng ta, bất kể cuộc chiến nào đang sục sôi bên trong mỗi chúng ta, chúng ta luôn có quyền lựa chọn” – Spider Man 3 (2007)
Mình nghĩ, chắc chắn hàng triệu người dân trong nước cũng muốn nói những người con xa xứ rằng: “Chào mừng đã trở về nhà”.
Thật vui vì mọi người đã trở về, nếu vẫn ở những nơi xa xôi, tất cả mọi người trong nước luôn muốn những người con xa quê “chân cứng đá mềm” và “tai qua nạn khỏi”.
Mệnh lệnh từ trái tim
“Muốn khóc to lên
Khóc cho hả
Dù mưa to gió lớn
Dù nắng hạ chói chang
Dù mùa đông tuyết ngập tràn
Niềm tin vẫn dâng trào
Đất mẹ ta”
Doraemon: Đi tìm miền đất mới.
tifosi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét