Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Những tiếng gào thét lạc lõng

(Hình minh họa)
CẮT CÚP HÌNH ẢNH, GÁN GHÉP NHỮNG Ý KIẾN BẤT ĐỒNG NHẰM BÓP MÉO SỰ THẬT
Không phải làm phim chuyên nghiệp, nhưng người được tung hô là “nhà sản xuất phim” là một người nước ngoài từng có những năm tháng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và được mang quốc tịch Việt Nam. Có thể một phần do bị “nhồi nhét tư tưởng” bởi những phần tử phản động, bất đồng chính kiến, cơ hội chính trị, phần khác vì thiếu niềm tin thủy chung trọn vẹn với đất nước từng trân quý mình, nên “nhà sản xuất phim” này ngày càng có những động thái, hành vi đi ngược lại lợi ích của đại đa số người dân Việt Nam và những giá trị tốt đẹp của chế độ mà Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam đã và đang thực hiện, hướng tới.
Thật đáng tiếc cho một con người từng có suy nghĩ tiến bộ về đất nước, nhân dân Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến, thì nay lại muốn thông qua một phim tự mình sản xuất nhằm xuyên tạc tình hình thực tế ở Việt Nam. Từ đó, "nhà sản xuất phim" này hướng lái dư luận, công chúng có cái nhìn phiến diện, lệch lạc về xã hội Việt Nam hiện nay. Bởi chính người sản xuất phim đã đưa ra cái gọi là thông điệp “Cuốn phim này muốn trao lời cho những con người đang khó sống”, và “Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong” là tiếng nói của những người bất đồng chính kiến và cả những dân thường cùng cực vô danh”. Trong phim được giới thiệu là “phỏng vấn nhiều nhà trí thức, văn sĩ, nghệ sĩ, luật sư, cũng như những dân oan sống vất vưởng vô gia cư, vì bị nhà nước cướp đất, những nhà lãnh đạo tôn giáo bị bịt miệng, bị khống chế” thực chất là tiếng nói của những thành phần mang nặng tư tưởng chống phá cách mạng Việt Nam từ nhiều năm nay.
Ngay sau khi phim được tung lên mạng xã hội, những đối tượng vốn thâm thù với chế độ tỏ vẻ hỉ hả, hồ hởi ra mặt và không tiếc lời nhận xét “hay, sắc sảo, phản ánh đúng tình hình thực tế ở xã hội Việt Nam hiện nay, nên rất cần cổ vũ cho mọi người cùng xem”. Trên trang gọi là “Đài phát thanh đáp lời sông núi” thì ra sức cổ súy với lời lẽ sặc mùi phản động: “Đây là bộ phim tài liệu vạch trần những thủ đoạn, âm mưu của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhằm hãm hại những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền và cho công bằng xã hội ở Việt Nam”. Một người mang danh luật sư sống lâu năm ở hải ngoại, có thể do thiếu thông tin hoặc có cái nhìn thiển cận nên mới “bình loạn” thế này: “Thực ra, tập phim này không mang lại tin tức gì mới về hoàn cảnh đất nước hiện nay. Nhưng cái mới là tập thể những nhân chứng là thành phần khác với những thành phần thông thường. Đó là cái hay của tập phim này. Đất nước Việt Nam vẫn đen tối, nhưng có cơ hội tiến đến tươi sáng hơn nếu chính quyền biết nhận thức ra và sớm nắm lấy cơ hội này”. Còn một đối tượng tự xưng là “nhà báo tự do” ở trong nước lại tỏ ra hoan hỉ khi cho rằng: “Tôi rất thích tựa đề của phim. Nó thể hiện sự dồn nén của những người từng một lòng tin đảng, nhưng sự thật đã làm họ phải nén chặt trong lòng cho đến khi phải thét lên trong phẫn nộ, đau đớn vì đổ vỡ niềm tin và đau đớn cho đất nước”.
Cần phải nói ngay rằng, mang tiếng là phim tài liệu, nhưng cách thức thể hiện thì nghèo nàn, hầu hết hình ảnh được cắt cúp lộ liễu, thô thiển, tua đi tua lại nhiều lần với mưu đồ xảo trá, thâm độc. Trong số hơn 30 đối tượng bày tỏ sự phẫn uất rồi “gào thét từ bên trong” thì nhiều đối tượng xuất hiện với tần suất dày, những lời “gào thét” quanh đi quẩn lại vẫn là bôi nhọ chế độ, phủ nhận tính chính nghĩa cuộc kháng chiến của quân dân ta trong thế kỷ 20, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thổi phồng một số vấn đề tồn tại của xã hội... và cuối cùng không quên kêu gào đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ra lời “hiệu triệu” người dân kiên quyết đấu tranh nhằm thay đổi bản chất chế độ XHCN ở Việt Nam.
NHỮNG TIẾNG GÀO THÉT ÍCH KỶ, KHÔNG TRONG SÁNG NÊN LẠC LÕNG
Trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang gồng mình nỗ lực để phòng, chống đại dịch Covid-19 và mọi ngành, mọi cấp đang quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để đẩy lùi những thiệt hại, hậu quả do dịch bệnh gây ra đối với nền kinh tế-xã hội của đất nước; thì việc tung lên mạng xã hội phim mang tựa đề đầy tính kích động “Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong” thực chất là tiếng gào thét lạc lõng, không đúng với thực tế Việt Nam.
Nó lạc lõng vì nội dung phản ánh hoàn toàn sai trái, lệch lạc tình hình chính trị, xã hội ở đất nước Việt Nam; cố tình tung hô, cổ súy cho những nhân vật bất đồng chính kiến có âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam từ nhiều năm qua; cố tình khơi lại, xuyên tạc những hành vi, vụ việc sai trái diễn ra ở Thủ Thiêm, Lộc Hưng, Đồng Tâm; cố tình khoét sâu một số “điểm nóng” từng nhức nhối dư luận xã hội nhằm làm cho một số tổ chức quốc tế hiểu sai bản chất vấn đề thực tế ở Việt Nam.
Họ còn bày tỏ, nhận định về Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng và tình hình chính trị-xã hội ở Việt Nam mang tính chất cực đoan, quy chụp, võ đoán, thậm chí đổi trắng thay đen, ăn không nói có, qua đó hòng dựng lên cái gọi là “dư luận tập thể” để phản đối chế độ XHCN, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sâu xa hơn nhằm kích động các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị và những đối tượng tự xưng danh “nhà báo tự do”, “nhà dân chủ”, “nhà đấu tranh nhân quyền” càng có cơ hội để chống phá cách mạng Việt Nam thêm quyết liệt.
Không riêng Việt Nam, mà tất cả quốc gia trên thế giới hiện nay đều ít nhiều phải giải quyết những vấn đề nội bộ của mình. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn do những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa. Với một đất nước hơn 96 triệu dân, 54 dân tộc cùng sinh sống, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động và khơi dậy mọi nguồn lực, mọi tiềm năng để phát triển đất nước. Những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội trong hơn ba thập niên đổi mới vừa qua không chỉ đưa Việt Nam từ một nước nghèo, kém phát triển vươn lên trở thành một nước đang phát triển, mà còn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá là một trong những nước đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Tất nhiên, trong quá trình xây dựng đất nước, không phải mọi việc, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ, hanh thông như ý muốn, mà cũng có lúc, có nơi, có một bộ phận người trong xã hội chưa cảm nhận và cảm thấy thỏa mãn mọi điều mà chính quyền mang lại cho họ. Trong số đó, có người thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của đất nước nên vẫn muốn chung vai góp sức giải quyết mọi việc ngày càng diễn ra theo chiều hướng tích cực, khả quan hơn. Cũng có một số người vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết nên có lúc, có nơi có biểu hiện a dua, cổ súy cho những thông tin tiêu cực, hành vi sai trái.
Còn đối với những ai từng sinh ra, lớn lên trên đất Việt và đang được thụ hưởng những thành quả cách mạng, được sống trong môi trường hòa bình nhờ biết bao xương máu của thế hệ cha anh đổ xuống, mà lại có thái độ bạc nghĩa vô ơn với quá khứ, giẫm đạp lên ý chí, niềm tin hiện tại của cả cộng đồng dân tộc và tùy tiện bày tỏ ý kiến xuyên tạc, bôi nhọ tình hình đất nước một cách vô lối, vô liêm sỉ, thì trước sau cũng sẽ bị lịch sử nguyền rủa, tẩy chay!
Thực ra, nếu nói về “cái được” của cái phim - nói đúng hơn là cái clip dài khoảng 2 giờ đồng hồ này, chúng ta càng nhận rõ chân tướng của các thành phần bất đồng chính kiến muốn chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đến cùng. Và chúng ta cần phải khẳng định rằng, hiện nay ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất đủ tâm đức và tài năng dẫn dắt dân tộc Việt Nam tiến lên phía trước. Thành tựu hơn 30 năm đổi mới đất nước đã được thế giới thừa nhận, tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam cảm thấy tin yêu Đảng và chế độ hiện nay. Những ai đó cố tình tưởng tượng, rêu rao nói xấu Đảng, chế độ, thì đó chỉ là những tiếng gào thét lạc lõng do lầm đường lạc lối, hoặc do không đạt ý đồ cá nhân cơ hội mà sinh ra tiêu cực, quay lưng với Đảng, với nhân dân, tổ quốc mình./.
Phúc Nội (qdnd.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét