Theo nhiều học giả Trung Quốc, mục tiêu của tổ chức Khơ me Đỏ là “Vượt qua Lê-nin, vượt qua Mao Trạch Đông” họ tuyên bố “sẽ xây dựng 1 XHCN thuần túy hơn Liên Xô, Trung Quốc”. Xã hội của chúng được xây dựng như thế nào?
Từ năm 1963, Khieu Samphan và Hou Youn (đều là trí thức và là lãnh đạo cao cấp sau này của Khơme Đỏ) đã nhất trí rằng xã hội mới phải “trở về với thiên nhiên” thuần khiết, phải dựa trên giai cấp nông dân còn các giai cấp khác phải bị xóa sạch.
Họ cho rằng giai cấp nông dân được tin là “đơn giản, không được giáo dục, chăm làm và không có xu hướng bóc lột những người khác”. Vì lý do này, Khơme Đỏ gọi những người nông dân là “những người cũ” và coi họ như những người cộng sản lý tưởng cho nhà nước Campuchia mới.
Như vậy ngay từ đầu các lãnh đạo này đã không đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản, họ đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa Mác. Chính quyền Polpot đã nôn nóng giải quyết các vấn đề xây dựng nhà nước Campuchia, muốn hiện thực Chủ nghĩa Cộng sản luôn mà bỏ qua Chủ nghĩa xã hội, bỏ qua các hình thức quá độ. Điều này đã trái với quy luật phát triển, đã phản bội lại chủ nghĩa Mác.
Pol Pot tuyên bố bắt đầu năm số 0 và bắt đầu cuộc “thanh lọc” xã hội ghê gớm. Để hỗ trợ cho một hình thức cực đoan của chủ nghĩa cộng sản nông dân, những ảnh hưởng của phương tây như chủ nghĩa tư bản và cuộc sống đô thị bị tiêu huỷ, chấm dứt và tiêu diệt. Tôn giáo và tất cả những người nước ngoài đều bị cấm.
Các đại sứ quán bị đóng cửa, và ngay cả việc sử dụng các thứ tiếng nước ngoài ở Campuchia cũng bị cấm. Các nguồn truyền thông và tin tức không còn được phép nữa và việc liên lạc qua thư từ hay điện thoại bị giới hạn. Tất cả các doanh nghiệp đều bị đóng cửa, giáo dục cũng bị dừng lại, chăm sóc y tế biến mất, và quyền hạn của cha mẹ bị hủy bỏ. Họ xóa bỏ tiền tệ, xóa bỏ chợ, giao thương.
Bất cứ sự trợ giúp nào của nước ngoài về kinh tế hay y tế cũng bị khước từ. Vì thế, Campuchia trở nên bị phong kín khỏi thế giới bên ngoài. Như vậy, thêm 1 sự phản bội nữa của chính quyền Polpot đối với lý tưởng Cộng sản, đi ngược với mục tiêu phát triển con người khi xóa bỏ các yếu tố về y tế, giáo dục, không thấy được các quy luật phát triển tất yếu của nhân loại, đánh đồng các yếu tố về sự phát triển của nhân loại chung với chủ nghĩa tư bản.
Những người sống ở các thành phố bị coi là “những người mới” và bị Khơme Đỏ xem như “gốc rễ của mọi cái xấu của chủ nghĩa tư bản”. Những người mới là tinh hoa của chủ nghĩa tư bản và vì thế là kẻ thù của chế độ Pol-Pot. Bất kể nghề nghiệp của họ là gì – giáo viên, thợ may, công chức hay hòa thượng – đều không quan trọng. Theo Khơme Đỏ, những người mới này đã quyết định sống ở thành phố, chứng tỏ họ trung thành với chủ nghĩa tư bản.
Vì thế, hàng trăm ngàn người Campuchia đã tự động bị gán mác là kẻ thù của nhà nước cộng sản Campuchia mới và bị giết chết.
Tất cả các thành phố ở Campuchia đều bị cưỡng chế di tản. Hai triệu người dân ở Phnom Penh đã phải đi bộ rời khỏi thành phố đến vùng nông thôn dưới họng súng. Ước tính rằng khoảng 20.000 người đã bị chết trên đường đi. Hàng triệu người dân thành phố ở Campuchia giờ bị bắt phải lao động chân tay như nô lệ ở các vùng nông thôn. Vì 2 ngày họ mới được chia một khẩu phần cơm khoảng 180 gam, họ đã nhanh chóng bắt đầu chết vì bệnh tật hay vì phải làm việc quá sức và bị thiếu dinh dưỡng. Đó là lý do tại sao lại có những “cánh đồng giết người”.
Khơme Đỏ thì coi xóa bỏ gia đình là khởi điểm của việc tái cơ cấu xã hội, họ thực thi nó ngay từ trước khi giành chính quyền và sau khi giành chính quyền thì mở rộng ra khắp cả nước. Hợp tác xã và các tổ chức cưỡng chế lao động trở thành đơn vị cơ bản nhất của xã hội. Các thành viên gia đình tùy theo giới tính và độ tuổi bị chia tách vào các tổ chức khác nhau, trẻ vị thành niên bị tách khỏi cha mẹ.
Nam 32, nữ 25 tuổi trở lên mới được kết hôn. Một hình thức quan trọng nữa nhằm xóa bỏ gia đình được thực hiện triệt để nhất là chế độ nhà ăn tập thể. Ý nghĩa của nó không chỉ là cùng ăn uống, mà là tiêu diệt không gian riêng tư trong đời sống xã hội. Khơme Đỏ coi việc xóa bỏ ăn cơm gia đình là thành tích thể hiện rõ nhất tính sáng tạo cách mạng của Campuchia.
Cán bộ Khmer Đỏ nói: thậm chí Trung Quốc vẫn còn giữ lại cái “cơ cấu chủ nghĩa tư bản” này. Điều này là sự nhận thức sai lầm trong tư tưởng của Polpot, “gia đình” không phải là cơ cấu chủ nghĩa tư bản, không nhận thức được vai trò của gia đình đối với sự phát triển xã hội.
Như vậy, Xã hội Campuchia bị Khơme Đỏ phá hủy tới mức không thể nào xây dựng lại trong tay họ được nữa. Pol Pot cũng nhận ra sai lầm không thể cứu vãn được. Tuy nhiên, thay vì sửa sai, Pol Pot lại tìm cách đổ sai lầm này cho những “kẻ thù tưởng tượng”.
Lý Ngọc Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét