Các tội ác chiến tranh và diệt chủng trên thế giới hầu như đều đã được giải quyết, khắc phục và đưa ra ánh sáng. Từ những tội ác phát xít trong chiến tranh thế giới, rồi tội ác diệt chủng người Do Thái, thảm kịch Khmer Đỏ tại Campuchia hay tội ác diệt chủng người Tutsi tại Rwanda... Tuy nhiên, có một tội ác chiến tranh - một tội ác không thể chối cãi và bằng chứng về tội ác đó vẫn tồn tại hàng ngày nhưng lại chẳng hề được thừa nhận.
Đó là tội ác về chất độc da cam - thứ mà quân đội Mỹ đã sử dụng để phát quang, diệt cây cối trong chiến tranh tại Việt Nam. Đến nay, quân đội Mỹ và các công ty sản xuất hóa chất Mỹ vẫn cho rằng thứ chất độc da cam đó chỉ là "thuốc diệt cỏ".
Ngày 2015, phóng viên Damir Sagolj của tờ Reuters đã thực hiện một phóng sự ảnh về các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Phóng viên này tiết lộ rằng ông đã phải sống trong những ám ảnh, dằn vặt trong khi chỉ là người nghe những câu chuyện được kể lại.
Phóng viên này từng đến Thái Bình và thăm một gia đình cựu chiến binh già. Người cựu chiến binh này và gia đình đã phải trải qua những năm tháng "sống không bằng chết" khi những đứa con của ông lần lượt mất đi chỉ ít ngày sau khi sinh ra. Những đứa con còn sống thì sức khỏe rất yếu. Đến nay, người cựu chiến binh này đã xây dựng một khu mộ tập thể cho 12 đứa con đã mất ngay sau khi vừa sinh ra.
Một trường hợp khác, từ một gia đình trẻ chuyển đến sống gần sân bay Đà Nẵng vào cuối những năm 1990. Khi mới đến, gia đình họ thường xuyên đánh bắt cá hay hái rau tại quanh nơi mà họ sống mà không biết rằng nơi đây vẫn tồn tại chất độc da cam. Và rồi họ sinh ra con gái đầu lòng, nhưng cô bé đã mất ngay sau khi đón sinh nhật 7 tuổi, cậu con trai tiếp theo của họ cũng phải chịu những dị tật giống chị.
Di chứng về chất độc da cam không hạ gục một người ngay lập tức. Nhưng những di chứng của thứ chất độc này tồn tại rất lâu, có khi chính những người bị nhiễm gốc lại không có cảm giác gì mà hậu thế của họ mới là người phải gánh chịu hậu quả. Một điều khủng khiếp khác mà chất độc da cam gây ra là thứ chất hóa học này tác động trực tiếp đến di truyền học, có khả năng ảnh hưởng từ người sang người, thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là một cảm giác không dễ dàng gì, thậm chí là đớn đau, day dứt, ám ảnh.
Trong chiến tranh tại Việt Nam, có hơn 366kg chất độc dioxin đã được rải xuống Việt Nam. Đây là một trong những chất độc nguy hại nhất mà con người từng biết tính đến thời điểm hiện tại. Nói dễ hình dung, thì chỉ cần 100g chất độc dioxin hòa vào nguồn nước cũng có thể khiến cho 8 triệu người thiệt mạng.
Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 4,8 triệu người phơi nhiễm với chất độc da cam. Trong đó, có hơn 3 triệu người đã nhiễm phải các căn bệnh chết người. Cần biết rằng, số nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam vẫn sẽ tăng lên từng tháng từng ngày,
Trong gần 20 năm qua, những người Việt đã luôn kiên trì khởi kiện các công ty Mỹ, đòi bồi thường cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm tháng đã qua, bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu nỗ lực, nhưng vậy công lý vẫn chưa đến với các nạn nhân da cam Việt Nam.
Phía Chính phủ Mỹ thì cho rằng họ chỉ "đặt hàng" các công ty sản xuất các chất diệt cỏ và họ không biết rằng thứ các chất diệt cỏ đó lại gây ra những hậu quả chiến tranh. Mặt khác, Tòa án Mỹ không có quyền truy tố Chính phủ Mỹ. Còn về mặt quốc tế, không có bất cứ một Tòa án Quốc tế nào có đủ pháp lý để nhận vụ kiện này và có, họ cũng chưa chắc dám nhận. Chung quy lại, Chính phủ Mỹ vô can.
Và đoàn nạn nhân Việt Nam tiến hành khởi kiện các công ty sản xuất hóa chất cho Chính phủ Mỹ. Vụ kiện lên cấp Tòa án Tối cao Mỹ thì bị bác vì hai lý do chủ yếu. Một là Tòa tối cao cho rằng chất mà quân đội Mỹ sử dụng chỉ có tác dụng "diệt cỏ" mà không ảnh hưởng đến con người, các công ty sản xuất biện hộ rằng họ sản xuất theo đơn đặt hàng của Chính phủ Mỹ, nếu kiện thì phải kiện Chính phủ Mỹ. Hai là, nếu kiện Chính phủ Mỹ, thì như mình đã nói ở trên, con kiến đi kiện củ khoai.
Người Việt đã không thành công trong việc đòi lại công lý và cả người Mỹ cũng vậy. Thậm chí, ngay tại Mỹ, những gì mà các cựu binh Mỹ chịu đựng cũng nhanh chóng bị lờ đi.
Năm 1986, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác đơn khiếu nại của các cựu chiến binh Mỹ khi đòi các hãng sản xuất hóa chất bồi thường 180 triệu USD khắc phục hậu quả chất độc da cam. Năm 1999, hơn 16 ngàn cựu chiến binh Mỹ đã khởi kiện các công ty sản xuất hóa chất đòi bồi thường khoảng 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, các đơn kiện đều bị bác ở các tòa cấp dưới. Đến năm 2006, một tòa phúc thẩm đã ra phán quyết các hãng của Mỹ phải bồi thường 61 triệu đô la cho 6.795 cựu chiến binh và gia đình họ. Nhưng chỉ sau đó không lâu, Tòa tối cao đã bác phán quyết này thẳng tay.
Tại Hàn Quốc, hàng chục cựu chiến binh Hàn Quốc đã khởi kiện thành công các công ty hóa chất Mỹ đòi bồi thưởng hàng chục triệu USD. Tòa án Hàn Quốc phán quyết rằng các công ty Mỹ phải bồi thường cho cựu binh Hàn Quốc. Nhưng điều trớ trêu là phán quyết này chỉ có tác dụng ở Hàn Quốc nên các công ty Mỹ vẫn nhởn nhơ và không chịu đền bù.
Tại New Zealand, Úc, Canada.... đều có những vụ kiện của các cựu binh liên quan đến hoạt động rải chất độc da cam tại Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các công ty Mỹ vẫn chẳng hề phải chịu một phán quyết đền bù nào.
Chia sẻ trên Newsy, một người có cha là một cựu binh Mỹ đã bị mất do chất độc da cam nhưng không hề được vinh danh. Người này có gửi thắc mắc đến phía quân đội Hoa Kỳ nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Người này nói rằng, có những thứ tội ác đã bị che đi, những bức tường đã được dựng để ghi danh những người lính thiệt mạng tại Việt Nam, vậy những người thiệt mạng sau đó thì sao?
Năm 2019, kênh SBS Dateline đã làm một phóng sự mang tên "The Children of Agent Orange" về những đứa trẻ mang di chứng chất độc da cam tại Việt Nam. Phóng sự này đã thu hút hơn 2,6 triệu lượt xem. Rất nhiều người Mỹ đã cảm thấy lạ kì vì họ không nghĩ rằng chất độc da cam tồn tại thực sự và vẫn đang gây ra những thảm cảnh tại Việt Nam.
Trong phóng sự, có người Mỹ đã thẳng thắn nói rằng, họ đã đến trại trẻ chất độc da cam tại Sài Gòn, tận mắt thấy tội ác chiến tranh được phơi bày. Nhưng Chính phủ Mỹ luôn từ chối nói về điều này và không hề thừa nhận tội ác, thậm chí còn cho rằng những bằng chứng mà phía Việt Nam đưa ra là không đủ thuyết phục và ngụy tạo.
Thực ra, không phải chỉ có người Mỹ là không thừa nhận sự thực về chất đôc da cam mà còn có khá nhiều người Việt.
Một số người Việt cho rằng chỉ có quân đội và người dân Bắc Việt - mà họ gọi là Việt Cộng bị nhiễm chất độc da cam. Nguyên nhân họ đưa ra là do các binh lính Việt Công ăn lương khô, lương thực có chất độc được viện trợ từ Trung Quốc và Liên Xô. Nhưng nếu là do lương thực từ Trung Quốc, Liên Xô thì tại sao sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát, sân bay Biên Hòa - những địa điểm xuất phát của các phi đội "rải" chất độc da cam lại bị ảnh hưởng nặng nề và có nồng độ phơi nhiễm rất nguy hại?
Mặt khác, chính phía Mỹ từng thừa nhận là đã phun chất độc da cam tại các địa bàn miền Nam dưới sự cho phép của ngụy quyền Việt Nam Cộng Hòa. Thậm chí, phía Mỹ còn dẫn nguồn đơn tuyên truyền của phía Việt Nam Cộng Hòa cho rằng chất diệt cỏ này có tác dụng diệt sâu bệnh, diệt cây cối nguy hại, tạo điều kiện cho mùa màng phát triển.
Tại Mỹ, có hơn 16 ngàn cựu binh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Con số đó tại Hàn Quốc là khoảng trên 1000 người. Tại các quốc gia khác có quân nhân tham chiến tại Việt Nam khác như Úc, New Zealand, hay các quốc gia "vùng đệm" như Thái Lan cũng ghi nhận những ảnh hưởng của chất độc da cam. Liệu quân đội Mỹ và Hàn Quốc có ăn lương khô, lương thực từ Trung Quốc hay Liên Xô hay không? Mình nghĩ là không. Chưa hết, những người còn cho rằng chất độc da cam còn có thể tắm gội được bình thường mà không gây hậu quả gì quá lớn, thậm chí còn giúp trị mụn (?).
Ngoài ra, những kẻ đó còn vu cáo cho Chính phủ Việt Nam rằng ngụy tạo bằng chứng để ăn tiền từ phía Chính phủ Mỹ. Chẳng biết là đã "ăn" được đồng nào chưa, mà số tiền mà phía Việt Nam bỏ ra để khắc phục đang là rất lớn. Nói chung, tất cả những nguyên nhân mà họ đưa ra, đều là mang màu sắc chính trị giả tạo, nhằm phủ nhận những nỗi đau mà những đồng bào cùng dòng máu đang phải chịu đựng. Những ai coi nhẹ nỗi đau của đồng bào, vu oan ngược lại đồng bào, là những kẻ vô liêm sỉ và không có trái tim.
Một người Mỹ đã nói rằng: "Người Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người dân thường và họ không phải chịu trách nhiệm. Đến bây giờ, tôi mới biết đến một tội ác khác nữa, tội ác về những nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Nhưng khác biệt ở chỗ, là người Nhật đã tấn công chúng tôi, còn người Việt Nam, thì họ chỉ muốn được yên".
Chiến tranh đã chấm dứt hàng chục năm trước nhưng những hậu quả của chiến tranh thì vẫn chưa buông tha cho người Việt. Công lý vẫn chưa đến với những nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam và có nhiều khả năng là sẽ không bao giờ đến.
Có những thứ tội ác vẫn mãi chẳng bị đưa ra ánh sáng...
tifosi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét