Bài viết của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn- nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn Quân đội nhân dân Việt Nam, Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng.
Chúng ta đã biết Chủ nghĩa xét lại ra đời sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công mà đỉnh cao là dưới thời Khơ-rút-xốp, song thời kỳ đó nó đã bị những người Cộng sản chân chính ở Liên Xô đánh bại. Thế nhưng đến những năm 80 của thế kỷ XX, Chủ nghĩa xét lại đã phục hồi mạnh mẽ trở thành trào lưu hòa tấu cùng các trào lưu khác, lại được người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô cổ suý, để rồi bằng sự xuyên tạc, bóp méo lịch sử họ đã bôi nhọ các gương anh hùng cách mạng, họ tập trung hạ bệ thần tượng Xít-ta-lin và kế đó tấn công hạ bệ thần tượng nhà lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới V.I. Lê-nin. Khi thần tượng Lê-nin sụp đổ cũng là lúc Goóc-ba-chốp tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô dẫn đến sự tan rã của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết. Một sự kiện chấn động làm cả thế giới bàng hoàng, ngay cả kẻ thù của Liên Xô là đế quốc Mỹ cũng không thể hình dung Liên Xô tan rã nhanh như thế!
Trước sự kiện này nhà thơ Tố Hữu nhanh chóng có bài thơ: Chân lý vẫn xanh tươi, phản ánh về sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu. Trong bài thơ có đoạn chỉ đúng sự thật về Chủ nghĩa xét lại lịch sử ở Liên Xô lúc bấy giờ: “… Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử Cào chiến công, xé cả xác anh hùng. Ôi! Nỗi đau này là nỗi đau chung. Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát? Lũ phản bội, điên cuồng, hèn nhát. Và cả bầy quân cướp nước, giết người. Chớ vội cười! Chân lý vẫn xanh tươi …” (Tố Hữu – 1991).
Bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô đã cho ta nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là tìm ra những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Song với tư duy biện chứng các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và Bác Hồ từ trước đây đều cho rằng: Bài học từ những nguyên nhân chủ quan là quan trọng nhất, bởi vì như Lê-nin đã từng dự báo: Không ai có thể làm sụp đổ sự nghiệp của họ, nếu không phải chính họ tự làm sụp đổ sự nghiệp của mình. Và sự thật cùng với sự tấn công quyết liệt của kẻ thù, thì chính những người mang danh là đảng viên Đảng CS Liên Xô đã làm tan rã Đảng và Nhà nước Xô viết một thời hùng mạnh này.
Còn với đất nước ta, khi bước qua thiên niên kỷ mới cũng bắt đầu xuất hiện trở lại hiện tượng của Chủ nghĩa xét lại lịch sử, tuy chưa đến mức như ở Liên Xô vào những năm của thập kỷ 80, song cũng cần phải báo động và kiên quyết đấu tranh loại bỏ. Có thể khái quát những biểu hiện của Chủ nghĩa xét lại lịch sử này như sau: Thứ nhất về phương pháp luận, họ xa rời phương pháp luận Mác – Lê-nin mà lại núp dưới cái gọi là phương pháp: khách quan, đổi mới, toàn thể, văn hóa. Vậy chúng ta thử phân tích cách nhìn của họ như thế nào?
Đó là khi viết sử phải dùng những từ tránh miệt thị, trung tính, bất chấp sự thật lịch sử. Họ không đứng về phía của những người làm nên lịch sử mà tự mình đứng cửa giữa (trung tính) và họ cho đó là khách quan để từ đó họ cho mình cái quyền bác bỏ những gì người trong cuộc đã viết, đã nói hoặc lịch sử đã ghi chép lại như kiểu “Đến nay chúng tôi thấy không đủ cơ sở để khẳng định lịch sử dân tộc ta có 4.000 năm, nên chúng tôi sửa lại dân tộc ta có mấy ngàn năm lịch sử” và họ biết nếu viết và nói vậy sẽ bị mọi người phản ứng, họ đã chiết trung bằng cụm từ “dân tộc ta trải qua mấy ngàn năm lịch sử” hay như gần đây trong Bộ lịch sử 15 tập của nhóm biên tập do ông TĐC làm Tổng chủ biên đã bỏ cụm từ “ngụy…”, một cụm từ mà cả dân tộc ta đã hy sinh hàng triệu người để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thu non sông về một mối, theo họ cũng với lý do cho khách quan, trung tính, tránh miệt thị…
Lại nữa, nhân danh đổi mới họ xóa cả tên anh hùng, sự việc có thật họ bảo rằng không có thật, như câu chuyện về ngọn đuốc sống Anh hùng Lê Văn Tám, họ cho rằng đây là câu chuyện không có thật, về chị Võ Thị Sáu thì có kẻ nói chị là kẻ điên, thậm chí vẽ ra chuyện Bác Hồ không ra đi từ Bến cảng Nhà Rồng vì năm 1911 chưa có Bến cảng này, trong khi Cảng Nhà Rồng đã có từ năm 1899, hay như gần đây họ biến cuộc ngụy chiến ở quần đảo Hoàng Sa, mà chế độ ngụy quyền SG làm theo lệnh quan thầy Mỹ bàn giao cụm đảo phía Tây cho Trung Quốc, từ tội danh bán một phần lãnh thổ cho ngoại bang, họ đổi mới thành những người bảo vệ Tổ quốc, thậm chí họ còn có ý định đề nghị công nhận những nạn nhân này thành liệt sĩ. Thật xấu hổ khi họ cho rằng một chế độ bán nước lại còn có Tổ quốc để mà bảo vệ, nếu ngụy quyền SG có Tổ quốc thì họ là một quốc gia và chúng ta xóa đi chế độ đó thì phải chăng chúng ta đi xâm lược và có đời thuở nhà ai người Việt Nam đi xâm lược Việt Nam…?
Với quan điểm toàn thể, họ đã khai thác mọi nguồn tư liệu, cả địch cả ta, cả người trong cuộc và ngoài cuộc kể cả tư liệu của bọn chống Cộng trong nước và thế giới, để rồi với cách nhìn khách quan trung tính họ đã viết lịch sử theo kiểu “hầm bà làng”, hoặc cố tình lập lờ mà đáng ra họ chỉ có thể kết luận theo sự thật mà nó đã xảy ra, theo cách như tôi đã dẫn ở trên về sự kiện Trung Quốc chiếm giữ trái phép cụm đảo phía Tây ở quần đảo Hoàng Sa 1974, họ lấy tư liệu bịa đặt của ngụy quyền Sài Gòn bất chấp thực tế là ngụy đã dâng HS cho TQ theo lệnh Mỹ, hay như họ ra sức ca ngợi Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông bất chấp sự thật đây là Hòn Ngọc ăn chơi du hý của cả thời Pháp thuộc và Mỹ thuộc, là nỗi đau của dân tộc ta “những quả bom văn hóa Mỹ cao bồi, những quả bom làm lở loét làn môi, em ta đó khóc cười dang dở”… rồi họ nói đến nền kinh tế, văn hóa… miền Nam dưới chế độ SG, và chắc chắn họ lại đưa các số liệu mà chế độ ngụy cố tình vẽ ra mà họ quên mất những con số thực. Thực ra nói đến toàn thể nếu nó khoa học thì đây là quan điểm của CN Mác – Lê-nin, quan điểm toàn diện, song nó không khoa học nên họ sáng tạo ra cái quan điểm toàn thể này.
Họ đã đẻ ra cái quan điểm văn hóa này, thì các nhà Triết học chắc phải làm một cuộc hội thảo để xem có cái gọi là phương pháp luận văn hóa hay không? Song ở đây họ có ý đồ của họ, theo họ lịch sử viết phải có văn hóa, tránh dùng những từ ngữ “thiếu văn hóa” theo hướng miệt thị, lên án nặng nề, như: ngụy quân, ngụy quyền; tay sai, bán nước, bù nhìn… Và từ đó họ phục dựng chính danh cho các chế độ từ Bảo Đại, đến Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… Bằng cách gọi: chính quyền Quốc gia Việt Nam, quân đội Quốc gia VN, chính quyền VNCH, quân đội VNCH… đây là điều mà những người trực tiếp cầm vũ khí đánh Mỹ, ngụy và những ai có tấm lòng yêu nước thật sự không thể nào chấp nhận.
Thứ hai, với trách nhiệm của họ, thì họ phải thường xuyên xem xét lại lịch sử để phát hiện những chứng cứ, tư liệu lịch sử, nhằm bổ khuyết làm sáng tỏ các sự kiện. Song họ lại làm ngược lại, đẩy các sự kiện vào chỗ lập lờ không rõ. Có thể dẫn chứng ra như tôi nêu ở trên: Lịch sử dân tộc ta hàng trăm năm nay đã khẳng định có 4.000 năm, nay họ lập lờ rằng dân tộc ta “Trải qua mấy ngàn năm lịch sử”, họ cố tình quên mất một nguyên tắc viết sử là cái gì tổ tiên ta đã nói, chỉ được phép sửa khi có đầy đủ sử liệu chính xác, đàng này họ đưa ra một kết luận bác cái của cha ông mà thay bằng một mốc không chính xác, rõ ràng, thực chất là một câu hỏi: Dân tộc ta có mấy ngàn năm lịch sử; hay như mới nhất việc ai là người soạn thảo lời đầu hàng của TT ngụy quyền SG vào ngày 30/4/1975, việc như vậy nhưng họ vẫn không kết luận được rõ ràng; hay khi ông PHL khẳng định không có Anh hùng Lê Văn Tám, đáng lẽ những nhà sử học phải vào cuộc làm rõ song họ bỏ lửng, để mặc cho bọn xấu tha hồ lợi dụng phủ lên lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ một sự hoài nghi cho rằng Cộng sản bịa đặt, tuyên truyền dối trá, hay như có kẻ đã xuyên tạc nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, các nhà sử học đã lặng im để lập lờ ai hiểu sao cũng được, trong khi đáng lẽ họ phải là những người phản ứng đầu tiên, mạnh mẽ nhất…
Thứ ba là biểu hiện của đổi trắng thay đen, đó là sự nâng công, giảm tội cho những kẻ mà lịch sử đã kết luận, chẳng hạn họ cho rằng nhà Mạc có công cứu đất nước thoát khỏi họa chiến tranh nhờ cắt một phần đất đai dâng cho phương Bắc, tương tự như vậy họ nâng công Phan Thanh Giản khi ký hòa ước cắt ba tỉnh, sau đó là cả Nam bộ cho thực dân Pháp (kẻ mà ông cha ta đã nói: “Phan, Lâm mãi quốc, Triều đình khí dân”, rồi như họ nâng công cho ngụy quyền SG khi giao Hoàng Sa cho Trung Quốc…
Cuối cùng ngành lịch sử đã không làm tròn trách nhiệm, trước tình trạng bộ môn giáo dục lịch sử sa sút, học sinh, sinh viên không muốn học sử, phản ứng yếu ớt khi Bộ Giáo dục – Đào tạo đề xuất Chính phủ tích hợp môn sử vào chung với các môn học khác, buộc Quốc hội phải có Nghị quyết riêng buộc Bộ Giáo dục – Đào tạo không được tích hợp, nếu không học sinh sẽ không còn học lịch sử và hệ quả tất yếu là nhận thức về lịch sử dân tộc của học sinh không đầy đủ, giảm sút lòng tự hào, tự tôn dân tộc, kéo theo làm giảm sút lòng yêu nước của thế hệ trẻ, làm suy yếu dân tộc.
Tất cả những vấn đề nêu trên, chúng ta có thể nói rằng, ở nước ta đang có sự hình thành Chủ nghĩa xét lại trong ngành lịch sử, một nguy cơ hiện hữu nếu chúng ta không nhận diện rõ thì hậu quả của nó là khó lường. Mong Trung ương cần thấy rõ đừng để đến khi “cả bầy sói chồm lên cắn vào lịch sử… Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát" ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét