Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

NGÔ ĐÌNH KHẢ LÀ AI???

 Khi làm Phó tướng cho viên quan khét tiếng Nguyễn Thân ra Bắc đánh dẹp nghĩa quân Cần Vương ở Vụ Quang, Ngô Đình Khả đã gây ra nhiều tội ác. Lúc đã dồn người anh hùng Phan Đình Phùng vào thế cùng, Ngô Đình Khả đang tâm theo lệnh Nguyễn Thân đào mả lấy xác cụ Phan trộn thuốc súng, bỏ vào súng thần công bắn xuống dòng sông Lam…

Cách đây 45 năm, vào tháng 11/1963 tại Sài Gòn đã xảy ra một cuộc đảo chính đẫu máu do một số chính khách và tướng lĩnh quân đội Sài Gòn tiến hành với sự giật dây và hỗ trợ của các quan thầy tới từ bên kia đại dương, giết chết những đồng minh đã trở nên không còn hữu dụng nữa của Washington là Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Đằng sau sự việc này cho tới nay vẫn còn không ít điều bí ẩn và những thông tin bất nhất.
Cũng còn nhiều vấn đề nằm trong bóng tối như thế là hành tung của dòng họ Ngô Đình, đặc biệt là ông Ngô Đình Khả, người cha đã từng sinh ra hai anh em họ Ngô khét tiếng của cái gọi là nền "đệ nhất cộng hòa" ở miền Nam nước ta những thập niên giữa thế kỷ trước. Chính từ tư duy và cách tham chính của ông Ngô Đình Khả về sau đã dẫn tới những tai họa cho cả một dòng họ đã chọn con đường chỉ hướng tới phương Tây làm cứu rỗi.
Ông Ngô Đình Khả, tên theo đạo là Micae, sinh năm 1857 trong một gia đình Công giáo ở làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình và thời nhỏ cũng được giáo dục theo những nguyên tắc chung của Nho giáo. Đồng thời với việc này, cậu bé Khả thường được cha đẻ là Giacôbê Ngô Đình Niêm cho đi giúp lễ với một vị linh mục Pháp ở họ đạo Mỹ Duyệt Hạ (cũng ở huyện Lệ Thủy).
Năm 1870, Ngô Đình Khả được linh mục Caspar (Lộc) cho đi học tại Đại chủng viện của dòng Thừa sai Paris tại đảo Paulo Pinang, Mã Lai (Malaysia ngày nay). Dùi mài kinh đạo cũng sáng dạ như ai nên trở về nước, Ngô Đình Khả được phân dạy môn triết tại Đại chủng viện giáo phận Huế trong thời gian thử thách để được chọn lên chức linh mục.
Tuy nhiên, số phận của ông đã hẩm hiu vì qua nhiều năm, ngay cả khi không ít học trò được thụ phong linh mục nhưng Ngô Đình Khả vẫn không được bề trên ngó ngàng tới. Thế là năm 1878, Ngô Đình Khả đành rời tu viện làm giáo dân bình thường và lấy vợ.
Biết rõ vốn ngoại ngữ của Ngô Đình Khả, linh mục chính xứ Phú Cam là Eugène Marie - Joseph Allys (1852-1936), đã giới thiệu Ngô Đình Khả nhận thông dịch tài liệu tiếng Latinh và tiếng Pháp cho lính Pháp làm phương kế sinh nhai…
Ông cũng được làm thông ngôn cho các quan chức thực dân với triều đình Nguyễn nên có nhiều mối quan hệ tế nhị. Những mối quan hệ đó đã giúp Ngô Đình Khả có được ít nhiều hào quang nào đó trong con mắt của triều đình Huế, vốn đang rất lép vế trước những kẻ ngoại bang da trắng.
Và vì thế nên vua Đồng Khánh đã giao cho Ngô Đình Khả chức tổng chỉ huy binh đội của triều đình. Tuy nhiên, vốn chẳng có sở trường gì về quân sự nên chỉ sau bốn tháng, Ngô Đình Khả đã phải rời khỏi chức vụ này và mượn cớ bà mẹ bị lâm trọng bệnh, đã xin từ chức để thực hiện chữ hiếu cho một công đôi việc.
Thất bại lần đầu nhưng Ngô Đình Khả vẫn chưa nguôi mộng làm quan. Khi vua Thành Thái lên ngôi, Ngô Đình Khả với danh vọng của một người từng tu nghiệp đạo Tây đã tìm được cửa để trở thành một quan chức giáo dục của triều đình.
Sở học trường dòng đã giúp cho Ngô Đình Khả làm được không ít việc trong những nỗ lực xây dựng Trường Quốc học Huế, kết hợp truyền bá văn hóa phương Tây với văn hóa bản địa. Những kẻ bảo hộ da trắng dĩ nhiên là rất tâm đắc với việc có được một nhân vật thân tín theo đạo Thiên Chúa ở trong chính quyền phong kiến nên đã không tiếc sức phù trợ cho Ngô Đình Khả. Triều đình nhà Nguyễn cũng trọng dụng Ngô Đình Khả. Ông ta từng làm đến chức Cơ mật viện, quan hàm chánh tứ phẩm, rồi được thăng đến Thượng thư Bộ Công…
Có nguồn tư liệu cho rằng, Ngô Đình Khả cũng thấm thía được nỗi gian nan của những thường dân nên khi tiếp thu được ít nhiều những tư tưởng văn minh của phương Tây cũng muốn ít nhiều cải cách cho đỡ cơ cực nước Nam. Và ông cũng muốn tìm những phương thức phát triển hòa bình để tìm lại nền độc lập cho dân tộc.
Có giai thoại kể về việc vua Thành Thái bị thực dân Pháp vu cho bị bệnh điên và ép triều đình Huế ký sớ xin vua thoái vị rồi đưa qua an trí tại đảo Réunion. Hầu hết các vị thượng thư khác đều ký vào tờ sớ này nhưng chỉ duy nhất Phụ đạo đại thần Ngô Đình Khả không ký. Câu "Đầy vua không Khả" xuất hiện là vì thế. Sau vụ này, Ngô Đình Khả dường như đã bị bạc đãi và chỉ tới triều vua Khải Định "con rồng tre" mới lại được phục hồi quyền lợi, được truy lĩnh đầy đủ lương bổng của 12 năm bị huyền chức…
Tuy nhiên, có nhiều cứ liệu lịch sử cho thấy, Ngô Đình Khả đã không vượt qua được những hạn chế cố hữu của tầng lớp quan lại thượng lưu dưới thời Pháp thuộc và trong những tình huống cần quyết liệt lựa chọn giữa vinh thân phì gia và cứu dân cứu nước, đã cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, sát hại những người yêu nước chân chính.
Khi làm Phó tướng cho viên quan khét tiếng Nguyễn Thân ra Bắc đánh dẹp nghĩa quân Cần Vương ở Vụ Quang (căn cứ kháng chiến của Phan Đình Phùng), Ngô Đình Khả đã gây ra nhiều tội ác. Lúc đã dồn người anh hùng Phan Đình Phùng vào thế cùng, Ngô Đình Khả đang tâm theo lệnh Nguyễn Thân đào mả lấy xác cụ Phan trộn thuốc súng, bỏ vào súng thần công bắn xuống dòng sông Lam…
Một số nguồn sử liệu cho rằng, Ngô Đình khả phải chịu trách nhiệm chính trong việc thực dân Pháp biến khu vực Trấn Bình Đài ở Huế thành nhà thờ. Vào đầu thế kỷ XIX, khi xây dựng kinh thành, nhà Nguyễn lập Trấn Bình Đài này để bảo vệ Kinh đô từ phía Đông Bắc. Những đơn vị lính Pháp đã tìm rất nhiều cách chiếm lĩnh khu vực trọng yếu này trong quá trình đánh thành Huế.
Trong Hiệp ước Giáp Thân (6/1884), ở điều 5, thực dân Pháp ép nhà Nguyễn phải nhượng Trấn Bình Đài cho lính Pháp đóng quân. Cái tên Đồn Mang Cá có từ đó. Khi kinh đô Huế thất thủ năm 1885, lính Pháp đã đánh chiếm khu vực Linh Hựu Quán và một số công trình khác của triều đình.
Tới năm 1886, viên toàn quyền Paul Bert được “quân sư” Trương Vĩnh Ký tư vấn, lại ép vua Đồng Khánh nhượng tiếp khu đất nằm giữa trấn Bình Đài và Linh Hựu Quán để chúng xây dựng thêm doanh trại, đồn bốt, nhà thương, kho hậu cần... Linh Hựu Quán bị triệt giải từ đó. Và cũng từ đó người dân ở Huế gọi khu nhượng địa mới này là Mang Cá Lớn, khu Trấn Bình Đài cũ là Mang Cá Nhỏ.
Lúc bấy giờ có một số người dân theo đạo Thiên Chúa ở thôn Cự Lại (vùng Thuận An) lên tá túc xung quanh doanh trại Pháp ở khu Mang Cá, kiếm kế sinh nhai bằng nghề bồi bếp, buôn bán... Lấy lý do giúp đỡ con chiên, linh mục Joseph Allys, vốn rất quen thuộc với Ngô Đình Khả, xin xây một nhà thờ trên đất Linh Hựu Quán để giáo dân "có nơi đọc kinh sớm tối, lễ lạt Chúa nhật". Nhưng vì luật lệ của nhà Nguyễn lúc đó cấm xây dựng nhà thờ trong khu vực kinh thành nên việc này đã không được xử lý.
Mãi tới khi Ngô Đình Khả được ngồi ở chức chỉ huy thị vệ dưới triều vua Thành Thái, nhờ sự thẽ thọt của ông ta nên một nhà thờ Thiên Chúa giáo mới được xây dựng trên đất của Linh Hựu Quán. Đó là nhà thờ Họ Cầu Kho. Thoạt tiên, đó chỉ là một căn nhà lợp tranh tre". Mãi tới khi Ngô Đình Diệm cầm quyền ở miền Nam, nhà thờ cũ mới được cải tạo thành Trường Tín Đức (ngày nay là Trường THCS Thuận Lộc) và một nhà thờ mới được xây dựng khang trang vào đúng vị trí Linh Hựu Quán ngày xưa. Đó là nhà thờ Giáo xứ Tây Linh trên đường Thái Phiên, phường Thuận Lộc ngày nay…
Người vợ đầu của ông Ngô Đình Khả là một giáo dân, tên là Madelena Chĩu. Tuy nhiên, hương lửa nồng đượm không lâu vì bà Chĩu phận bạc, mất sớm. Tới năm 1889, ông Ngô Đình Khả tục huyền với một nữ giáo dân khác tên là Anna Phạm Thị Thân, quê ở Phú Cam, Hương Thủy. Hai người đã sinh ra được 9 người con: 6 trai và ba gái (theo thứ tự: Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thị Giao, Ngô Đình Thị Hiệp, Ngô Đình Thị Hoàng, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Luyện).
Ông Ngô Đình Khả được coi là người biết cách giáo dục con cái nghiêm khắc, kết hợp niềm tin Thiên Chúa giáo với những giáo lý Nho học. Tuy nhiên, cách giáo dục này đã không giúp cho các con của ông có được cuộc sống yên ổn sau này.
Ông Ngô Đình Khả qua đời năm 1923 vì bệnh phổi. Bà Phạm Thị Thân qua đời tại Sài Gòn ngày 2/1/1964, trước khi người con thứ tám Ngô Đình Cẩn bị giết hơn ba tháng. Trưởng nam của dòng họ Ngô, Tổng đốc Ngô Đình Khôi và con trai của ông ta là Ngô Đình Huân đã bị chết năm 1945. Người con trai thứ ba là Ngô Đình Diệm, sinh năm 1901 tại Huế, từng được vua Bảo Đại bổ nhiệm chức thượng thư năm 1933…
Người con thứ bảy, Ngô Đình Nhu, tu học ở Ecole des Chartes Paris, được coi là trầm tĩnh, ít nói, lạnh nhạt bên ngoài. Ngô Đình Nhu từng là có vấn tối cao của Tổng thống Ngô Đình Diệm và đã bị quân đảo chính giết chết cùng anh trai tháng 11/1963.
Theo những người thân cận, khi ở trên đỉnh cao quyền lực, Ngô Đình Nhu "làm việc âm thầm, cần mẫn, hút thuốc liên hồi (mỗi lần nửa điếu, do sự can ngăn của vợ) trong một văn phòng không rộng, đầy ngập sách vở, ánh sáng mờ mờ, ở tầng dưới Dinh Độc lập, có gắn máy lạnh và interphone với bên ngoài". Săn bắn là thú tiêu khiển ưa chuộng của Ngô Đình Nhu và đồng thời là cơ hội tìm nơi yên tĩnh để suy nghĩ…
Người con trai út Ngô Đình Luyện, vốn là một kỹ sư, về sau đi làm đại sứ của chính quyền Sài Gòn khi các anh trai mình ở trên đỉnh cao quyền lực, được coi là người có tính tình cởi mở, bạn học của cựu hoàng Bảo Đại. Lúc thất thế, về hưu, ông Ngô Đình Luyện phải sống khá chật vật.
#Lão nông tri điền Phạm Huy Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét