Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

MỊ DÂN, THỦ ĐOẠN CỦA NHỮNG KẺ THIẾU ĐỨC THIẾU TÀI.

 Trong đời sống xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, ở đâu đó người ta hay bàn tán về lời nói và hành vi "tiền hậu bất nhất" của những nhân vật đã có địa vị xã hội nhất định hoặc đang tham vọng quyền lực chính trị. Họ hứa với người dân thật nhiều. Và họ thất hứa cũng thật nhiều. Họ hứa hão để người dân ủng hộ, nâng đỡ họ lên các vị trí cao hơn, hoặc để ru ngủ người dân trước những bê bối, tồn tại thuộc trách nhiệm của họ, nhưng họ không đủ tài, đủ đức để giải quyết, cải thiện. Thực chất, đó là một thủ đoạn chính trị, dối trá và xảo quyệt, được che đậy bằng vỏ bọc "Vì Dân". Đó là mị dân. Xưa nay, thủ đoạn mị dân sớm muộn cũng bị lên án và bóc trần trước công luận.

Trước kia, khi dân tộc ta còn chìm đắm nô lệ dưới ách cai trị của thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã vạch trần thủ đoạn mị dân, lừa gạt cộng đồng của những kẻ thống trị độc ác:
“Chẳng may lại gặp hồi truân bĩ
Rặt những đồ xu mị phùng nghinh
Hại dân để lợi cho mình
Coi dân hờ hững như mình chẳng can”
(Hải Ngoại huyết thư - Phan Bội Châu)
Đặng Chính Kỷ - Bí thư đầu tiên của huyện ủy Nam Đàn, Nghệ An vạch rõ hơn trò mị dân của thực dân Pháp trong “Bài Ca Cách mạng”:
“Miệng bảo hộ mà tay bóc lột
Mặt nhân từ mà ruột hiểm sâu”
(“Bài ca Cách mạng - Đặng Chính Kỉ)
Những tên thực dân cáo già từng thi hành những chính sách làm cho dân chúng cảm thấy "sung sướng, hả hê" trong ngắn hạn, nhưng sẽ có hại trong dài hạn; thậm chí chúng còn dẫn dắt số đông công chúng vào một cuộc phiêu lưu tinh thần nào đó, đánh lạc hướng dư luận. Trong những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp từng đưa ra chính sách mị dân có tên gọi mỹ miều là "Pháp - Việt đề huề", "khai hóa văn minh", chủ trương cổ xúy phong trào "thể dục thể thao"… Trên thực tế, hầu hết người dân Việt Nam không được ứng xử như cái gọi là "đề huề", "văn minh", không có đủ điều kiện để thể dục, thể thao. Đó chỉ là những "bánh vẽ" hòng lôi kéo, ru ngủ người Việt, mơ hồ không nhận ra bạn – thù mà quên con đường cứu nước, cứu dân.
Trong xã hội hiện đại, ở nhiều quốc gia trên thế giới, mị dân vẫn được hiểu là thủ đoạn chính trị "phỉnh nịnh", "lấy lòng" dân chúng để cầu lợi, thậm chí là có vẻ "theo đuôi" dân để lừa dối dân, mê hoặc dân, nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cộng đồng để mưu lợi cá nhân trong vận động tranh cử. Sau khi đạt được mục đích chính trị rồi thì kẻ mị dân sẽ lãng quên luôn những lời hứa và không hề quan tâm đến số đông người đã từng ủng hộ mình.
Ngày nay, ở nước ta, thói mị dân không phải đã bị triệt tiêu hoàn toàn. Đâu đó trong bộ máy chính quyền các cấp vẫn còn những kẻ mị dân để che đậy lòng dạ ham quyền, háo chức, vinh thân, phì gia. Công tác đấu tranh chống tham nhũng những năm qua đã vạch mặt, chỉ ra nhiều cái tên cụ thể. Họ nói lời hay nhưng lại không làm việc tốt.
Ở cấp cơ sở, có trường hợp bí thư, chủ tịch xã nói lo cho dân, làm vì dân nhưng lại biển thủ hàng cứu trợ lũ lụt, dịch bệnh của dân về cho gia đình mình. Ở trung ương, có trường hợp là bộ trưởng, viết sách chống suy thoái đạo đức, tư tưởng nhưng lại tham gia vào vụ án tham ô, hối lộ ngàn tỉ. Những lời họ nói, sách họ viết không hề sai. Nhưng việc làm của họ không đúng. Họ nấp vào cái đúng để làm việc sai trái. Nấp vào cái đúng thì được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ủng hộ. Rồi lại nấp sự ủng hộ để làm việc sai, mưu lợi cho cá nhân, gia đình, bè phái, cánh hẩu của mình. Đó là những biểu hiện mị dân, dối trên, lừa dưới.
Rõ ràng, nếu là cán bộ đảng viên mà mị dân thì mị dân là vết trượt dài của sự tha hóa, dối lừa, biến chất.
MỊ DÂN LÀ HẠI NƯỚC.
Bản chất của mị dân là dối trá, lừa gạt nhân dân và cộng đồng, cho nên tác hại của nó là vô cùng nguy hiểm. Vì mục đích cuối cùng của mị dân là mưu lợi cho cá nhân, bè phái, cánh hẩu, nên sau khi bằng mọi cách lấy lòng số đông công chúng, đạt được chức vụ, tham gia bộ máy công quyền, những kẻ mị dân sẽ không hành động vì lợi ích của số đông công chúng, làm phương hại quyền lực Nhân dân, làm suy thoái bộ máy công quyền.
Mị dân là kẻ "nói liều", "hứa bừa", "lộng ngôn" thậm chí, "lời nói đi trước, não bộ chạy sau", nói mà không nghĩ… cốt để lấy lòng công chúng và không mấy khi làm được như lời nói, thậm chí "nói một đằng, làm một nẻo". Điều này sẽ làm tổn thất uy tín của cơ quan công quyền trong tầm quan sát của quần chúng nhân dân.
Kẻ mị dân lọt vào, nắm giữ chức vụ bé thì làm hại lợi ích của cộng đồng bé. Leo lên cao hơn thì làm hại lợi ích của cộng đồng lớn hơn. Nếu lọt vào chính quyền trung ương thì sẽ làm tổn hại lợi ích của quốc gia, dân tộc, làm ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ LOẠI BỎ NHỮNG KẺ MỊ DÂN.
Điều trước tiên là phải tinh mắt mà nhận ra nhưng "con sâu" mị dân tinh quái. Cần coi trọng phát huy quy chế dân chủ tại cơ sở, dùng tai mắt quần chúng mà thẩm định bản chất của những người có thể trong tầm ngắm của công tác cán bộ. Bổ nhiệm và cất nhắc các vị trí lãnh đạo quản lý cần phải có cái nhìn toàn diện, có quan điểm khách quan, lịch sử cụ thể khi đánh giá con người. Hãy giao việc khó để mà thử người, thay vì nghe những lời đường mật của những kẻ xu mị.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" và "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém" và "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn chú trọng công tác cán bộ, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người công bộc thật trung thành của nhân dân.
Chúng ta cần phải đãi cát tìm vàng, lựa chọn những người ưu tú nhất để phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý như ông cha từng nói "dụng nhân như dụng mộc". Không thể chủ quan, dựa vào cảm xúc cá nhân mà đánh giá con người một cách hời hợt, nông nổi, bề ngoài. Phải lấy tiêu chí vì lợi ích của dân, của nước, vì lý tưởng của Đảng mà tìm người hiền tài cho sự nghiệp cách mạng. Đó là những người có đủ đức sáng, tài cao, nhân hậu, chí bền, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, vững vàng trước mọi thử thách để xây dựng và phát triển bền vững đất nước, đem hạnh phúc đến cho mọi nhà, cho dân tộc, vì sự ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển của nhân loại.
Phát biểu bế mạc hội nghị trung ương 12 khóa XII và trong bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã liệt kê "Mị dân" là một trong những khuyết điểm cần kiên quyết loại bỏ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết không bỏ sót những người thực sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người có một trong các khuyết điểm sau:
1. Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định với đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
2. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ; trù dập người thằng thắn đấu tranh, phê bình.
3. Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
4. Không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỉ luật kém, không chấp hành sự điều động phân công của tổ chức, uy tín giảm sút.
5. Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình được rõ nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
6. Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.
(“Đừng thấy đỏ mà tưởng chín” - TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng)
Tác giả: Trung Chính - vtv.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét