1. TA CÓ LỊCH SỬ : Đâu phải quốc gia nào trên thế giới cũng có lịch sử hàng ngàn năm. Các nước càng phát triển thì lịch sử càng ngắn ngủi vài trăm năm. Vì đi sau nên đi nhanh. Vì tàn nhẫn nên đi rất nhanh. Vì sao tàn nhẫn tự ngẫm mà hiểu. Ai là người phát động các cuộc chiến tranh thế giới? Chế độ nào vì lợi ích kinh tế mà hiện nay đã và đang can thiệp vào quân sự rất nhiều nước trên thế giới và gây ra bao đau thương? Tôi không cổ súy, không phê phán, không thù hận. Tôi chỉ nêu lên sự thật và tôi chấp nhận sự thật như là một quy luật trong tiến trình sinh và diệt của loài người.
2. TA CÓ NỀN VĂN HÓA ĐẬM ĐÀ HỒN VIỆT: Ta hấp thu được cái tinh hoa của nền văn minh của người Hoa – một trong những nền văn minh vĩ đại của thế giới. Ta nêm nếm vào đấy tâm hồn Việt, ta lại thêm chút văn hóa Phương Tây trong sự giao thoa từ những thế kỷ 17, 18 cho đến tận ngày hôm nay. Ta hình thành nên một hình hài, một tính cách, một dáng hình xứ sở mang tên Việt Nam. Ta có quyền tự hào không? Có ai thấy mâm cỗ cúng ông bà chứa bao nhiêu triết lý và nghĩa tình chưa? Có ai thấy mái ngói rêu phong chứa bao câu chuyện thời gian chưa? Có ai thấy cây đa, giếng nước, mái đình đậm hồn người Việt chưa? Có ai đi xa không nhớ rau muống chấm tương cà ( trừ bọn tẩy não mất dạy) không? Có ai nghe câu “quê hương là chùm khế ngọt” mà không thấy thương không? 200 quốc gia trên thế giới có mấy quốc gia có được nền văn hóa ngàn năm, vừa trong sáng vừa mạnh mẽ như thế? Có đáng để tự hào không?
3. TA CÓ NGÔN NGỮ RIÊNG: Những quốc gia càng non trẻ thì không có chữ viết riêng đã đành, những quốc gia vì bị xâm lược mà mất luôn tiếng nói thì nhiều vô kể. Ngôn ngữ nhân tạo Esperanto được sáng tạo từ thế kỷ 19 vì một động cơ trong sáng là ngôn ngữ kết nối toàn cầu nhưng nó đã chết như nó phải thế. Vì một ngôn ngữ không thể sống nếu thiếu LỊCH SỬ và VĂN HÓA. Người ta không thể ẩn dụ trên nó, trêu ghẹo bằng nó, nhớ nhung về nó. Nên nó chết, mặc dù được đánh giá là khoa học và logic! Các nhà khoa học ước tính hơn 50% ngôn ngữ được sử dụng hôm nay có thể sẽ tuyệt chủng vào năm 2100. Tôi không hy vọng Tiếng Việt là một trong số đó. Nhưng nhìn vào thế hệ hôm nay, tôi không khỏi đau xót hoài nghi!?
4. TA CÓ NỀN ẨM THỰC ĐỘC ĐÁO: Chẳng cần tìm dữ liệu ta cũng có thể tự hào có nền ẩm thực độc đáo và vang danh thế giới giữa các nền ẩm thực Hoa, Nhật, Hàn, Ấn, Trung, Thái ở châu Á. Châu Âu thì có Ý, Pháp. Có ai trả lời cho tôi món ăn Mỹ là gì không? KFC? Gà rán? Cocacola? Có ai đưa cho tôi món nào mà đọc lên là tôi reo “A, ẩm thực Úc đây rồi” không? Có ai cho tôi biết món nào của Canada mà cả thế giới biết đến? Châu Úc, châu Mỹ, châu Phi, châu Âu? Tôi không có ý hạ thấp các nước để nâng quan điểm. Nhưng lại một lần nữa, sự thật vẫn là sự thật!
5. TA CÓ TRANG PHỤC DÂN TỘC: Có bao nhiêu quốc gia trên thế giới có trang phục truyền thống? Và bao nhiêu trong số đó được đem đi thi các cuộc thi sắc đẹp lớn nhỏ, giành biết bao giải thưởng, được biết bao người trên thế giới tôn vinh? Người phụ nữ Việt duyên dáng biết mấy trong bộ áo dài! Nhưng lại chỉ có người Việt là hạ thấp nó, hắt hủi nó, so sánh nó, tàn nhẫn với nó. Với quan điểm của một người mộ điệu thời trang như Son, áo dài thật sự rất thời trang, mãi mãi không lỗi thời, phù hợp với nhiều ngữ cảnh. Sexy một cách kín đáo, vừa đủ hờ hững để khêu gợi, lại dư kín đáo để trang nhã. Không phô trương, nhưng không mờ nhạt, không rực rỡ, nhưng đầy tôn nghiêm! Có đáng để gìn giữ và tự hào không?
6. TA CÓ TÌNH THƯƠNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ: Việt Nam là một trong những nước xóa đói giảm nghèo nhanh nhất thế giới. Sở dĩ ta làm được vậy là vì trong mỗi tâm hồn Việt Nam đều có tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Có một ngàn ta cũng sẵn sàng cho đi chín trăm đồng. Tâm hồn Việt chính là giúp người hoạn nạn không tiếc, là thương người như thể thương thân, là một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Nhưng ơ kìa! Đâu rồi những nắm gạo cứu đói chắt chiu những năm vừa độc lập 1945 đầy khốn khổ? Năm mà cả nước ta chỉ hơn 25 triệu dân mà hơn 2 triệu đồng bào chết đói! Những hồn ma đói rét đã tan ra trên mảnh đất bom đạn này, để ngày hôm nay ta có được cơm ngon canh ngọt. Ta ăn tôm hùm ngà voi. Ta miệng nào hưởng lạc thú trên đời, miệng nào chửi xa xôi?
7. TA CÓ SỰ CẦN MẪN: Tôi thường chọn một góc, ngồi ngắm nhìn những cô, chú cần mẫn chất đầy đồ trên xe đạp, xe máy, xe bò mang ra chợ bán. Họ cần mẫn từng bước gõ nhịp trên đường dưới màn mưa không mệt mỏi. Không phải để đổi lấy những chuyến du lịch, những cuộc tình đại gia mỹ nhân, mà là đơn giản một bữa ăn đạm bạc bên gia đình! Có gì đáng ngưỡng mộ hơn thế? Rồi nhìn những cô, những chú kỳ kèo từng ngàn Việt Nam đồng giữa chợ đời, những đứa trẻ cong chân đạp những vòng xe giữa nắng trưa … mà nụ cười trắng xóa cả khuôn mặt đen nhẻm, lấm lem mồ hôi! Một sự xúc động tận sâu thẳm tim tôi dâng lên từ từ, và tôi tự hỏi tại sao họ lại có thể cần mẫn như thế? Ai đã dạy họ điều đó? Hay trong máu của mỗi đồng bào tôi ngàn xưa đã có? Trong cuộc đời mình, tôi đã thấy không ít những bạn Tây ngày đêm đàn đúm ca hát, uống cocktail đến quên lối về, lười lao động, thất bại trên chính nước sở tại. Dĩ nhiên tôi không phiến diện. Tôi chỉ nói một phần sự thật. Một phần của sự thật không phải là sự thật. Nhưng bao nhiêu kẻ có thể dùng mắt để thấy trọn vẹn?
8. TA CÓ TRÍ ÓC THÔNG MINH: Ta học dưới mưa bom lửa đạn, ta bơi sang sông đến trường, ta lội bùn những ngày đường bùn đất đỏ. Ta từ thời xưa đã thi Hội, thi Đình. Dân tộc ta lại có truyền thống tôn sư trọng đạo “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Kìa Văn Miếu còn đó! Giải thưởng này kia làm sao ta sánh được những nước lớn có điều kiện học tập tốt hơn ta và đi trước ta cả trăm năm? Ta chưa có giải Nobel văn học nhưng kho tàng văn hóa dân gian, thơ ca, tài liệu lịch sử, các tài liệu khoa học cũng đồ sộ đâu kém! Ta chưa có giải Nobel y học nhưng nền y tế trong nước cũng đã và đang từng ngày cố gắng hiện đại hóa. Dưới áp lực kinh tế thị trường cạnh tranh công bằng, các trường đại học công và bệnh viện công cũng đã phải tự mình trang bị kiến thức và trang thiết bị hiện đại. Thông minh là thế nhưng không hiểu được thời cuộc, không có lòng tự tôn dân tộc thì mãi mãi chẳng thể phát huy được, nước Việt đến khi nào sánh với năm châu như lời Bác Hồ dặn dò?
9. TA CÓ CHÍNH QUYỀN CHĂM LO CHO DÂN: Nghe tôi phát biểu câu này chắc các bạn tưởng đang đọc báo của Tuyên giáo Trung ương hoặc của đứa nào từ hành tinh khác xuống. Vâng, là tôi, một công dân Việt Nam thầm lặng phát biểu đấy. Chính quyền ta có quan tâm đến đời sống của người dân không khi có bất kỳ tình huống nào người Việt bị nạn ở nước ngoài chính phủ đều đưa bàn tay cứu giúp đầu tiên? Chính quyền có chăm lo cho dân không khi vùng nào bị thiên tai, lũ lụt cũng có cán bộ chăm lo, có kinh phí tài trợ khắc phục sau bão lũ? Các bạn nói chính quyền tham nhũng? Vậy tôi hỏi chính mỗi người có trung thực thời gian, tiền bạc, nguồn lực của tập thể, tổ chức nơi mỗi người công tác chưa? Chính quyền là ai? Là chính các bạn, là lớn lên từ các bạn, là trưởng thành từ các bạn. Các bạn đã tử tế chưa để đòi hỏi chính quyền – những người đại diện cho các bạn tử tế?
10. TA CHỈ THIẾU TỰ TÔN: Khi một người Mỹ nói với tôi rằng: có phải nhờ nước tôi mà nước bạn được khai phóng không? Tôi đã nén nỗi đau mà nói bạn: Thưa ông, đất nước cũng giống như một con người, cần có thời gian để trưởng thành. Ông có một đứa bạn lâu ngày đóng cửa không ra đường, ông sẽ dí súng vào nó bảo: mày mở cửa ra chơi với tao hoặc là chết hay là ông sẽ đưa cho nó một cây bút để nó tự học, tự trưởng thành và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của nó? Ông lặng im! Nhưng điều tôi thắc mắc hơn là trong số 97 triệu người Việt Nam hôm nay ai là người sẽ hỏi được người Mỹ câu hỏi ấy giữa sự tự ti và đớn hèn mà lịch sử không thể giải thích nổi hiện nay? Tôi để câu hỏi dở dang cho các bạn!
Mượn hai câu thơ của Chế Lan Viên để kết thúc bài:
“Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ”
Từ thời truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ sinh ra “đồng bào” ta trong bọc trứng. Đến truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc Ân xâm lược. Rồi đến khi thật sự mất nước vào tay Triệu Đà. Đến khi Ngô Quyền giành lại tự chủ cho dân tộc với chiến thắng Bạch Đằng lừng danh. Rồi giặc phương Bắc bao phen lăm le bờ cõi. Rồi trở thành nạn nhân thê thảm nhất của chiến tranh thế giới thứ 2. Mãi đến 1975 mùa xuân mới về trên đất nước. Mà mãi đến năm 1979 vẫn còn chiến tranh biên giới. Các chiến sĩ hiện tại vẫn ngày đêm canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa. Rồi từ khi Nhà nước đi sai đường lối đến năm 1986 Nhà nước chính thức nhận sai lầm và thay đổi cơ chế kinh tế thị trường sang quá độ lên Xã hội chủ nghĩa. Bao nhiêu là nước mắt, bao nhiêu là nỗ lực, bao nhiêu là hy sinh, bao nhiêu là giọt máu đã rơi để có mảnh đất hình chữ S chỗ cong chỗ lồi, chỗ rộng chỗ hẹp! Để ta có được tiếng nói là tiếng Việt thật sự trong sáng và đẹp đẽ vô cùng, có được nền ẩm thực Việt lừng danh thế giới, có được lịch sử dù đau thương vẫn đáng tự hào!
Vậy mà thế hệ hôm nay nhìn vào đấy là không biết ơn! Ngoái đầu lại lịch sử mà không biết nhục! Nghe theo lời gian tặc, ghét đi người trung quân. Lòng người li tán, dân trí thấp hèn, a dua chửi mà không tìm hiểu cội nguồn, tham sống sợ chết, bần tiện hơn thời nào hết!!!
Trăm năm nữa, còn ai nhớ, ai quên?
Ngàn năm nữa có ai nói tiếng Việt ăn rau muống chấm tương cà với lòng tự tôn Dân tộc?
(Sơn - Một người viết những điều tử tế)
#Lão nông tri điền Phạm Huy Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét