Báo với các bạn một tin nóng, vào chiều 11/08/2020, Chính phủ đã có quyết định đình chỉ công tác với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để điều tra các sai phạm. Đồng thời, Bộ Chính Trị cũng đã thông qua quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng với ông Chung, hiện đang kiêm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội.
Lò đang cháy, và cháy dữ dội ngay trước thềm Đại hội Đảng. Và dĩ nhiên, người khởi xướng công cuộc đốt lò ấy là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người được nhân dân gọi là "Cụ Tổng".
Cụ Tổng đã nhẫn rất lâu, để chờ đến một ngày "thời cơ chín muồi", bắt đầu công cuộc "đốt lò vĩ đại" của mình, "đốt lò" là để tiêu diệt đám tham quan ô lại, làm trong sạch đội ngũ Đảng.
Nhưng Tổng Bí thư đã từng tuyên bố đanh thép: "Phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định."
Lần đầu tiên, TBT Nguyễn Phú Trọng nhắc đến khái niệm "đốt lò" là ngày 31/07 2017, tại Hà Nội: "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công."
Và thế là lần lượt Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn ... những cái tên từng một thời "thét ra lửa", tưởng chừng "bất khả xâm phạm" lần lượt được cho vào lò.
Mới đây nhất là Nguyễn Đức Chung, và có thể sắp tới sẽ là hàng loạt các quan chức cộm cán khác nữa, những người đang "ngồi trên đống lửa" vì những sai phạm của bản thân.
Chẳng những chỉ "đốt lò", mà các công tác đối nội đối ngoại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn hoàn thành xuất sắc.
Đúng là "Gian nan mới tỏ mặt anh hùng", chưa bao giờ cả Việt Nam nhất trí và đoàn kết như thế, chưa bao giờ dân chúng lại có niềm tin vào Đảng, vào nhà nước như thế. Chưa bao giờ mình cảm thấy "vận nước đang lên" rõ ràng như thế!
Nửa năm nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang chao đảo vì đại dịch COVID-19, và người được công chúng quan tâm nhất lẽ dĩ nhiên là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tư lệnh trong công tác phòng chống dịch bệnh. Lẽ dĩ nhiên, mình rất cảm kích trước những cống hiến của bác Đam và nhân dân cả nước, tuy nhiên người mình thấy ngưỡng mộ nhất vẫn là cụ Tổng: Nguyễn Phú Trọng.
Để vận nước lên, để toàn dân tin tưởng, tất cả có lẽ bắt nguồn từ "công cuộc đốt lò" vĩ đại của cụ Tổng. Lẽ dĩ nhiên khi cụ đốt lò luôn có người ủng hộ, người hoài nghi và cả những kẻ tự cho mình là thông thái khi cười khẩy: Thanh trừng đối thủ, xây bè kết cánh.
Thôi thì kệ họ, nhưng chưa bao giờ nhân dân ta lại có niềm tin với Chính phủ, với Đảng như thế.
Nói các bạn nghe, vào dịp 14/03 hàng năm, đám "dân chủ cuội" lại bắt đầu kéo ra tượng đài vua Lý Thái Tổ gõ trống khua chiêng, chúng gào khóc về một "lệnh cấm nổ súng" trong tưởng tượng ở Gạc Ma, chúng tố cáo các cố lãnh đạo Việt Nam dâng biển đảo cho Trung Quốc. Chúng đang làm những điều khốn kiếp và đê hèn, làm vấy bẩn anh linh của 64 anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập chủ quyền dân tộc.
Nhiều năm trước chúng có thể kích động thù hằn, dắt mũi được những người thiếu hiểu biết, ấy bởi nhiều người thiếu niềm tin vào đất nước. Nhưng những năm gần đây, chúng chỉ giống như những gã hề đang diễn xiếc trong mắt nhân dân thủ đô.
Bởi vì "vận nước đang lên"!
Tháng 10/2019, Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có chuyến tiếp xúc cử tri Q. Ba Đình trước kỳ họp Quốc hội cuối năm. Mình nhớ khi ấy có một cử tri đột nhiên nhắc về mối lo ngại từ phía Trung Quốc, và hỏi Việt Nam có chủ trương ra sao. Cụ Tổng có nói: "Thái độ của Đảng rất dứt khoát, kiên quyết, khôn khéo, nhưng có những việc không thể nói công khai. Làm sao để đất nước yên bình nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền mới là giỏi."
Cụ Tổng cũng kêu gọi nhân dân cả nước cảnh giác với những quan điểm cực đoan về vấn đề biển Đông, bởi sự kích động thù hằn sẽ gây chia rẽ giữa lãnh đạo và nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao, đây là điều "rất nguy hiểm".
Nước chúng ta là nước nhỏ hơn, chúng ta không sợ hãi nhưng cần có cư xử đúng mực, không thể cái gì cũng dùng bạo lực để giải quyết. Ngoài quân sự, còn đó cả Kinh tế - Chính trị phù hợp, nó là "biết địch biết ta'.
Chẳng thế mà sau khi đánh tan bè lũ xâm lược của nhà Minh, Lê Lợi đã phải cấp lương thảo cho lũ bại trận rút quân về nước. Chẳng thế mà sau khi đánh tan tác 20 vạn quân Thanh xâm lược, Quang Trung phải chủ động viết thư nghị hòa, cho thế thân sang chịu mệnh.
Chẳng thế mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã căn dặn phái đoàn ngoại giao Việt Nam trước khi đàm phán tại Paris với Mỹ, rằng: "Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả".
Và gã khổng lồ Trung Quốc ngày nay cũng thế, vừa là láng giềng vừa là đối tác kinh tế song phương bậc nhất, việc mềm mỏng khôn khéo giữ mối quan hệ bang giao tránh các xung đột không cần thiết là ưu tiên hàng đầu trong công tác ngoại giao. Tuy nhiên, khi cần cương quyết chúng ta luôn cương quyết. Chẳng thế mà cụ Tổng đã từng khẳng định: "Tất cả phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, Việt Nam sẽ không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ."
Những quyết sách ngoại giao đúng đắn của Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chủ Tịch hay Nguyễn Phú Trọng đều thể hiện cái tầm của những vĩ nhân. Đây là sự đúc rút kinh nghiệm ứng xử ngoại giao đầy chất văn hóa trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là sự thông hiểu và nắm bắt các tinh hoa văn hóa Đông - Tây trong việc theo đuổi những mục tiêu đối ngoại của Việt Nam.
Hùng ưng bay lượn trên chín tầng trời sẽ thấy được những thứ mà con gà đậu trên cành khế không bao giờ tưởng tượng nổi.
Đúng là vận nước đang lên, những điều vĩ đại luôn bắt nguồn từ những con người giản dị, những người Cộng sản hi sinh trọn đời vì lý tưởng cao đẹp: Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Mình vẫn còn nhớ nằm lòng lời kể một người bạn cũ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lần cụ Tổng về quê họp lớp. "Xin cho em, cho tôi được để mọi chức tước ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học cùng lớp của các bạn. Có nhiều bạn trong lớp chúng ta giỏi hơn tôi nhưng cuộc sống không gặp may mắn. Còn tôi gặp may mắn hơn các bạn. Chức tước như phù vân, còn lại mãi với nhau là tình thầy trò, bè bạn. Mong chúng ta luôn giữ được điều đó…"
Cụ vẫn khiêm tốn và giản dị như thế, và nếu có trí tuệ chúng ta thừa hiểu nếu chỉ có may mắn chắc cụ không được Đảng và Nhà nước bầu vào các chức vụ quan trọng như thế. Quan trọng nhất vẫn chính là từ sự cố gắng học tập, phấn đấu và cống hiến của một nhân cách lớn, trí tuệ lớn.
Siêu anh hùng có thể một mình cân cả thế giới chỉ có trong phim ảnh, nhưng ở ngoài đời luôn có những người hùng có thể kết nối sức mạnh của cả dân tộc, một đất nước, sẽ làm được những điều mà siêu anh hùng chưa chắc đã làm nổi. Xin trích lại lời của cụ.
"Không phải chỉ Đảng làm mà phải luật pháp hóa, thể chế hóa, cả hệ thống chính trị, toàn dân làm mới thành công được."
Việt Nam chúng ta nhất định làm được. Trong cuộc chiến chống COVID-19 nói riêng, hay trong công cuộc dựng xây và kiến thiết đất nước, Việt Nam sẽ chiến thắng.
Mình thực sự rất mừng, bởi vì "vận nước đang lên". Nó lên, bắt đầu từ công cuộc 'đốt lò vĩ đại" của cụ Tổng đấy!
Đạo Sỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét