Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

BỘ CÔNG THƯƠNG CẦN CÓ TRÁCH NHIỆM XEM XÉT KỸ GIÁ ĐIỆN MỚI CỦA EVN, TRÁNH BỨC XÚC KÉO DÀI TRONG DÂN.

 Mấy ngày gần đây dư luận lại xôn xao chuyện giá điện của Bộ Công Thương công bố hôm 10/8/2020 vừa qua. Người dân đang cần nhiều hơn sự quan tâm của Chính phủ tới điện sinh hoạt bởi nó là một phần cơm áo, gạo tiền chi phí trong gia đình hàng ngày. Tuy nhiên, lâu nay giá điện đã cao nay lại đưa ra mức giá quá cao thì sự bức xúc của người dân sẽ không tránh khỏi.

Theo mức giá điện mới Bộ Công thương trình Chính phủ phê duyệt theo 2 phương án:
Phương án 1: Giá bán lẻ tính theo 5 bậc trên cơ sở 6 bậc hiện tại. Bậc 5 (từ 701 kWh trở lên) giá 3.132 đồng/kWh
Phương án 2: tính theo 5 bậc và 1 bậc gồm 2 phương án (2A và 2B). Tuy nhiên, giá điện tính theo bậc 5 tại phương án 2A và 2B của Phương án 2 này (từ 701 kWh trở lên) cao hơn rất nhiều so với bậc 5 (từ 701 kWh trở lên) của phương án 1. Mức giá từ 3.449 - 5.109 đồng/kWh. Mức giá điện 1 bậc tại Phương án 2A và 2B cũng có giá 2.703 đồng/kWh (bằng 145% mức giá điện bình quân) và 2.890 đồng/kWh (bằng 155% mức giá điện bình quân).
Như vậy, rõ ràng mức giá này quá cao so với giá điện hiện hành. Vì vậy, đại đa số người dân mong muốn Bộ Công Thương cần xem lại giá điện của EVN khởi xướng. Điều này rất có lý vì mấy lý do sau:
Thứ nhất, Hiện thị trường tiêu dùng nội địa chúng ta vẫn ổn định, giá xăng dầu, ga không giao động nên không ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như hộ gia đình, lẽ nào đẩy giá điện cao để kéo theo các hệ lụy bất ổn.
Thứ hai, giá điện hiện hành vẫn còn cao, mong muốn của người dân là giảm chứ không phải tăng, bởi thu nhập bình quân hiện nay của người dân khoảng 7 triệu đến 8 triệu đồng/tháng còn phải trả từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng tiền điện/ tháng, chiếm từ 1/12 đến 1/10 số thu nhập cá nhân thì làm thế nào ổn định được mức sống lâu dài cho những người có thu nhập thấp???
Thứ ba, Trước tình hình dịch Covid kéo dài đời sống kinh tế nhiều hộ gia đình còn khó khăn, nhất là dân lao động phổ thông, có vùng, địa phương phải nghỉ sản xuất kinh doanh, nếu áp dụng mức giá điện này lại càng khó khăn thêm cho họ.
Thứ tư, nếu tăng giá điện sẽ dẫn đến chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tăng. Chi phí tiêu dùng, sinh hoạt trong dân tăng buộc thu nhập tiền công của người lao động phải tăng theo. Ví dụ: anh phụ hồ trước đây công là 300.000 đồng/ngày nay phải nộp thêm tiền điện thì buộc anh phải lấy công cao hơn để bù vào số tiền điện, rồi chị bán rau, anh buôn gà... cũng phải tăng giá để bù đắp... lương công chức, viên chức, lương công nhân, lao động cũng chưa tăng thì họ lấy đâu bù vào???
Thế nên, Bộ công thương cần xem xét kỹ, nếu áp dụng mức giá mới e rằng không phù hợp, không những thế còn tạo dư luận, tâm lý băn khoăn, bức xúc của người dân, thậm chí vô tình làm đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng lên ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.
Như tôi đã nói, điện sản xuất từ nước, Nước lấy dân làm gốc, cái gì cũng phải lấy dân làm gốc chứ không phải cứ chạy theo tính độc quyền ngành điện e rằng không ổn đâu!
#Lão nông tri điền Phạm Huy Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét