Ngày hôm nay, cộng đồng mạng xôn xao trước hoàng loạt các tranh tường graffiti khá ấn tượng xuất hiện trên bức tường, nhưng chúng chỉ tồn tại được mấy chục phút ngắn ngủi trước khi lực lượng chức năng tới, và sau đó đã bị xóa đi bằng vôi trắng.
Ý kiến trái chiều đủ cả, nhưng tổng quan lại tôi thấy nhiều người nói đây là “nghệ thuật đặt nhầm chỗ”. Tôi thấy đúng, chỉ là không hiểu tại sao lại có quá nhiều bạn trẻ quay sang nói rằng cơ quan chức năng dốt nát, làm lố và đã giết chết nghệ thuật. Đâu đó có những tiếng chửi.
Lý do họ đưa ra, đó chính là tại sao chính quyền lại không bắt mấy thằng dán tờ quảng cáo “khoan bê tông, thông bể phốt”, mà lại đi giết chết nghệ thuật đường phố graffiti? Xin thưa các bạn, đó là đám dán hoặc vẽ nội dung quảng cáo lên cột điện, tường … nếu bị bắt được sẽ bị xử lý ngay lập tức. Chỉ có điều đám này rất khôn và ranh, thao tác lại rất đơn giản nên vừa khó bắt được tại trận, mà thậm chí bóc đi rồi chúng lại dán tiếp. Quá trình này cứ diễn ra liên tục, và tuần hoàn vậy đó.
Còn về vụ việc một nhóm các bạn trẻ vẽ tranh graffiti lên tường, cá nhân tôi và rất nhiều bạn khác nữa đều công nhận nó khá ấn tượng, tuy nhiên chắc gì tất cả mọi người đều nghĩ như thế. Và quan trọng nhất là người sở hữu bức tường đó, ông ta xem đấy không đẹp, có khi là bôi bẩn thì sao?
Ở Việt Nam làm gì cũng được, nhưng nhớ sống và làm việc theo pháp luật. Pháp luật Việt Nam có quy định rất rõ ràng về việc viết, vẽ hình lên tường nhà người khác, tường công cộng do nhà nước quản lý mà chưa được sự đồng ý, cho phép – đấy là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vì, tường nhà, hàng rào nhà ở của người dân là tài sản thuộc sở hữu cá nhân hoặc tường công cộng là tài sản của nhà nước, do nhà nước quản lý nên cần phải xin phép khi vẽ hoặc làm bất cứ hành vi nào tác động lên đó.
Thậm chí nếu như gặp chủ nhà khó tính hoặc khi ai đó người bỏ ra số tiền khá lớn để trang trí, sơn sửa nhà cửa, tường rào mà khi bị ai đó tự ý vẽ hình ảnh mà theo họ thấy không phù hợp, làm cho họ thiệt hại số tiền đã sơn, trang trí đó, thì việc bạn tự ý vẽ lên tường nhà họ bị quy vào tội “xâm phạm, phá hoại tài sản”.
Vậy đấy các bạn họa sĩ graffiti ạ. Nhân đây, cũng xin kể về bài tập đọc hồi nhỏ của lứa 8x chúng tôi, Đẹp mà không đẹp.
Trích: “Thấy Bác thành đi qua,Toàn liền hỏi:
- Bác Thành ơi! Bác xem con ngựa của cháu vẽ có đẹp không?
Trên bức tường trắng,hiện ra những nét than đen vẽ hình một con ngựa đang leo núi. Bác Thành nhìn bức vẽ rồi trả lời:
- Cháu vẽ đẹp đấy, nhưng còn có cái không đẹp!
Toàn vội hỏi:
- Cái nào không đẹp, hở bác ?
Bác Thành bảo:
- Cái không đẹp là bức tường của nhà trường đã bị vẽ bẩn, cháu ạ!” - Hết trích.
Quan điểm của tôi, một hành động có thể là đúng có thể là sai, có thể là đẹp có thể là xấu - tùy vào góc nhìn và hệ quy chiếu của người cảm nhận mà thôi. Với tôi, hệ quy chiếu là luật pháp, nội quy và các giá trị đạo đức, văn hóa - của nơi chúng ta đang sống.
Vậy nên đánh giá hành động/sự việc nào thì đừng cảm tính, chúng ta cần xác định rõ ràng hệ quy chiếu và cũng cần để ý đến suy nghĩ người khác. Trên đời này có nhiều thứ nghệ thuật “đẹp mà không đẹp lắm”.
Ví như, tết năm ngoái có một cậu bạn vẽ một bức tranh vẽ một thanh niên mặc áo dài đỏ, cầm theo cành đào và chai cuốc lủi kèm theo dòng text: “Làm tí thịt chó mắm tôm hong em?” - post lên một group vẽ. Ngay lập tức cậu chàng bị ăn report, xung quanh bức tranh nảy sinh 2 luồng quan điểm trái chiều. Bên fan ăn thịt chó thì bênh vực ủng hộ, cho rằng bức tranh chẳng có gì sai. Còn bên yêu động vật quá đáng thì lại chửi bới cậu thanh niên post hình.
Ai cũng có cái lý của mình. Quan điểm của tôi, “đẹp mà không đẹp” chính là thế này, nhưng nó cũng chỉ dừng lại ở mức đó mà thôi. Chúng ta nên tôn trọng sở thích/quan điểm sống của nhau, miễn là nó không trái với pháp luật cũng như các giá trị văn hóa nơi ta sinh sống. Đừng có bao giờ mang quan điểm sống của người khác ra chế giễu, áp đặt. Đất có lề, quê có thói - tức là sống ở đâu thì nên tuân theo quy định ở nơi đó. Nếu bức tranh ấy post ở group Dota2vn, tôi tin đây là một kiệt tác, được ngàn người trầm trồ nức nở. Nhưng bức tranh này post ở group Đảo Mèo, tôi cá rằng sẽ ăn cả tấn gạch đá đủ để xây nhà.
Ngay cả sở thích và quan điểm sống của nhau còn không chịu tôn trọng, vậy làm sao để người ta tôn trọng lại mình được hả các bạn!
Ví dụ nữa, như mấy tháng trước có một anh họa sĩ tên Vincent đã đăng một bức hình, vẽ một thiếu nữ xinh đẹp và gợi cảm. Tuy nhiên, những gì đính kèm trên đấy đã làm phá hư hết giá trị của bức ảnh, đang từ một bức ảnh đẹp nó biến trở thành không đẹp, thậm chí nhiều người khó tính còn thấy nó phản cảm.
Được biết, tạo hình cô gái anh họa sĩ lấy cảm hứng từ Dương Mịch của Trung Quốc, cô khoác lên mình bộ cánh sexy hết mức có thể. Tay của cô cầm quyền trượng, đội nón lá và mặc một thứ được cho là áo dài Việt Nam, cô gái không mặc quần mà chỉ có kèm thêm một lá bùa Hán tự che ở chỗ cần che (vị trí nhạy cảm nhất của người phụ nữ). Ok, không sao hết, sự sáng tạo là không giới hạn.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây thì nó sẽ chẳng vấn đề gì, nó vẫn là một bức ảnh đẹp hết nấc. Song điều đáng trách nhất đó là việc cô gái không mặc quần, lội ở Hồ Gươm, phía sau là Tháp Rùa – một địa điểm linh thiêng của người Việt Nam, nó là một sự thiếu tôn trọng với người Việt. Thứ nữa, đó là bức ảnh được đăng trong ngày 30/4, với dòng cap kèm theo “một chút đông lào cho ngày việt nam”, khi chữ cần viết hoa thì viết thường, nó chứng tỏ một sự kém duyên, thiếu ý tứ của họa sĩ.
Nhưng, nhiều người chúng ta cảm tính quá mức, mà hễ thứ gì đó có vẻ đẹp là thường được bênh vực. Và một khi chính quyền, cơ quan chức năng đụng đến sở thích của họ thì sẽ lập tức bị chửi.
Lấy ví dụ như mấy năm trước, trận đấu Việt Nam - Malaysia, LĐBĐ Việt Nam đã có công văn chỉ đạo yêu cầu CĐV quá khích không được đốt pháo sáng. Thứ nhất dễ gây cháy nổ, hỏa hoạn nguy hiểm. Thứ hai VFF sẽ đối mặt nguy cơ bị phạt 70.000$ và trận gặp Cambodia chúng ta nhiều khả năng sẽ phải đá sân trung lập.
Đổi lại, tối hôm ấy pháo vẫn sáng rực SVĐ Quốc gia Mỹ Đình. Việt Nam chiến thắng, toàn dân nô nức đi bão. Hót-gơ mặc áo in cờ đỏ sao vàng vạch ngực vạch mông show hình ở các group lớn để thể hiện tình yêu bóng đá. Các thanh niên kẹp 3, kẹp 4 không mũ hò hét đập phá và phóng như bay khắp mọi nẻo đường. Nơi nơi rực rỡ cờ đỏ sao vàng rồi sáng nay những lá quốc kỳ nằm lăn lóc lề đường, thùng rác.
Đẹp mà không đẹp, vui thôi đừng vui quá, chính là như thế!
Còn đây là lý luận bênh vực, thậm chí cổ vũ người hâm mộ đốt pháo sáng bất chấp cảnh báo từ trước đó.
- Đốt cho chừa, cho bọn lãnh đạo VFF sáng mắt ra, đốt để phản đối nạn phe vé.
- Pháo sáng là 1 phần của bóng đá, Việt Nam cuồng nhiệt mới thế chứ.
- Văn minh tân tiến như Ý, Anh ... người ta còn đốt ầm ầm có sao đâu. Việt Nam đốt tý thì đã sao.
- Cấm mà không đoán được, vẫn để CĐV đốt chỉ chứng tỏ sự ngu dốt, vô năng của quan chức VFF.
...
Câu chuyện pháo sáng, chính là một bản nâng cấp nữa của câu chuyện tự ý vẽ tranh graffiti lên tường nhà người khác đấy. Kiểu: Bọn dán quảng cáo “khoan bê tông thông bể phốt” còn đầy kia kìa, sao không lo bắt chúng nó mà đi dấm đạp lên nghệ thuật đích thực. Rồi ở bên Tây ý, tranh graffiti là một thứ nghệ thuật đường phố mà ai ai cũng phải trân trọng. Rồi cấm quảng cáo khoan cắt bê tông trên cột điện và các bức tường, thế mà vẫn đầy rẫy tờ rơi quảng cáo dán trên đó, ấy là sự vô năng của chính quyền…
Haizzz, cộng đồng mạng chửi thì giỏi, chỉ khổ nhất là mấy bạn áo xanh tình nguyện suốt ngày lao tâm khổ tứ đi bóc tờ rơi và sơn lại nhiều bức tường bị vẽ bậy.
Ở Việt Nam đôi khi lạ lắm, càng cấm người ta càng cố làm cho bằng được cơ. Thế mới tài ý!
(Đạo Sĩ)
#Lão nông tri điền Phạm Huy Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét