Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

NHỮNG LÁ THƯ ĐẪM NƯỚC MẮT

 Ngày ấy, chàng sinh viên Khoa Cầu hầm, ĐH Xây Dựng vừa đẹp trai lại thông minh, phải lòng cô gái trẻ Đặng Thị Xơ trong làng. Anh hơn nàng một tuổi, nhà cách nhau chỉ một con xóm nhỏ. Thời gian ấy, người theo đuổi chị nhiều vì chị xinh, hiền lành và nết na. Nhưng chị chỉ yêu và chọn anh.

Anh chị yêu nhau 3 năm, dự định chờ anh học hết 5 năm mới chính thức về chung một nhà. Gia đình 2 bên cứ thế giục cưới, anh chị đều lần lữa, vì sợ chuyện hôn nhân ảnh hưởng đến việc học tập của anh.
Mùa xuân năm 1972, nghe theo lời kêu gọi của Tổ quốc, anh gác lại chuyện học hành, chuẩn bị lên đường nhập ngũ trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Thế là, anh chị quyết định tổ chức đám cưới trong vài ngày ngắn ngủi anh xin về thăm nhà. Một đám cưới tuy nhỏ nhưng ấm áp và ngập tràn hạnh phúc, diễn ra vào ngày 2/1/1972.
Anh ở nhà với vợ được 3 ngày rồi hết phép, anh lại tiếp tục lên Hà Nội. Tết Nguyên đán năm đó, anh được về nhà thêm 3 ngày, đúng ngày giỗ bố. Trước lúc lên đường nhập ngũ, anh xin đơn vị về thăm vợ 1 ngày. Rồi kể từ đó, anh vĩnh viễn không bao giờ trở về nữa.
Mang tiếng yêu nhau 3 năm, nhưng lại như những kẻ yêu xa, anh công tác ở Hà Nội, chị ở Thái Bình, yêu nhau đành gửi trọn nỗi niềm qua những phong thư. Rồi đến khi cưới nhau, chị làm vợ anh trọn vẹn được 7 ngày, 7 đêm. Từ khi anh lên đường, chị như người đàn bà mất chồng. Anh nắm tay chị mà dặn dò lần cuối: "Mình là vợ chồng. Anh đi chiến đấu, sau này ngộ nhỡ anh trở về không lành lặn, xin em đừng hắt hủi anh, em nhé". Chị nghe anh nói mà ứa nước mắt.
Tết nguyên đán năm 1973, ông cụ thân sinh có nói với chị: "Xơ à, thằng Huỳnh cùng đoàn binh ra Quảng Bình rồi, vậy thì Tết này sao nó cũng được về nhà". Bà con làng xóm vẫn hay hỏi thăm Huỳnh có viết thư về nữa không, miệng chị bảo "có", nhưng trong bụng linh tính chuyện chẳng lành.
Đến tháng 2/1973, gia đình chị nhận được giấy báo tử của anh. Sợ chị không chịu nổi cú sốc, chị gái anh Huỳnh đã xin hoãn báo tử 3 tháng. Đến tháng 5/1973, giấy báo tử cùng toàn bộ quân tư trang của anh được gửi về nhà chị. Lúc ấy, chị đang đi đắp đê thì có người gọi tìm. Mọi người đã làm xong lễ truy điệu, chỉ chờ chị về đặt bức di ảnh của anh, được chụp năm 17 tuổi, vào trong quan tài.
Theo giấy báo tử, anh hi sinh vào ngày 2/1/1973, hưởng dương 24 tuổi, đúng kỷ niệm tròn một năm ngày cưới. Và những ngày 2/1 những năm sau này, là những ngày chị buồn nhất, khóc nhiều nhất và cũng thương anh thật nhiều. Lúc nhận quân tư trang của chồng, chị không hề hay biết có lá thư của chồng cất trong ba lô. Chị lặng lẽ cất đồ của anh vào tủ, không dám đụng đến vì quá đau đớn. Dù đã biết trước việc chồng đi bộ đội sẽ không nhiều cơ hội quay về, nhưng chị vẫn cứ âm thầm khóc, dù là ra cánh đồng hay về nhà, chị đều khóc. Nhiều người sợ chị sẽ chết mất, vì cứ một thân một mình, chị khóc suốt ngày suốt đêm.
Bức thư được anh viết vào tháng 9/1972 - trước ngày anh hy sinh hơn 3 tháng, từ những trang sổ tay xé ra, dài gần 10 trang khổ nhỏ. Dự cảm về cái chết đang đến rất gần, anh xem bức thư này như những lời trăng trối. Anh gửi mẹ, gửi vợ, gửi anh chị, đôi lời cuối cùng khi mà chỉ vài tháng sau đó, anh nằm lại mãi với đất Mẹ.
"Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Công mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời.
Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ biết bao khó nhọc. Nay con đã đến ngày khôn lớn thì... Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…".
"Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em. Em à, chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh. Thật là chỉ vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau.
Anh rất hiểu, biết tin này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh, vì đã phải xa anh. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em. Song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em, chỉ mong em khoẻ, yêu đời.
Em thương yêu! Nếu thực sự thương anh thì em sẽ làm theo những lời anh căn dặn. Hằng năm cứ đến ngày này em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh. Còn em khi nhận được lá thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện hãy cứ đi bước nữa vì đời em còn trẻ lắm. Theo anh thì em nên làm như vậy. Nhưng anh chỉ mong một điều, là em đối đãi với mẹ, anh chị trong gia đình như anh còn sống. Anh mong em hãy làm tròn, cho linh hồn anh được bay cao ôm ấp trong giấc mơ trìu mến của em. Khi mẹ qua đời, em sẽ làm đúng nghi lễ của người con dâu. Thôi nhé, anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em.
Nhưng em ơi, hãy bình tĩnh làm theo lời anh dặn. Còn ngày anh đi xa là ngày anh đề ở ngoài phong bì (2/1/1973) mà nhờ các bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ những người quen thuộc trên quê hương trong buỗi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em, đừng buồn, khi được sống trong hoà bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự, thì khi hoà bình, có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về.
...
Thôi nhé, đó là có điều kiện, còn không thì em hãy cứ làm tốt những điều anh dặn trên là tốt lắm rồi".
"Anh chị kính mến! Anh em liền từng khúc ruột mềm mà giờ đây đã phải mãi mãi xa anh. Ra đi mong anh chị khoẻ mạnh trông nom mẹ già thay em, động viên mẹ khi biết được tin này. Em rất hiểu anh chị buồn lắm, kể gì đây cho anh chị đỡ buồn. Song anh chị hãy coi như em đã sống trọn một đời vì chiến tranh tất cả. Anh chị hãy vui lên, chăm sóc các cháu, nuôi mẹ già sống lâu, đó là điều em mong muốn nhất. Để cho linh hồn em mãi mãi quanh anh chị và gia đình.
Đối với Xơ, anh chị nên động viên tìm đường tương lai vì đời em ấy còn trẻ lắm. Hòa bình nếu có điều kiện vào thị xã Quảng Trị sẽ đến được chỗ em yên nghỉ theo em đã dặn trên. Thôi nhé chào anh chị ở lại, hồn em mãi mãi bên anh chị….
Thôi con đi đây, chào mẹ, chào em, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương.
Con của gia đình
Lê Văn Huỳnh".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét