<Trần Bình>
Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an thành phố HCM thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét khẩn cấp bị can Phạm Thị Đoan Trang (tức Phạm Đoan Trang, 42 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội) về tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ngay sau đó, hàng loạt các tổ chức nhân quyền trên thế giới đều lên tiếng nhằm đòi thả tự do cho Trang. Đơn cử trong số đó có bà “Đặc ủy nhân quyền” Đức với những phát ngôn vi phạm luật pháp quốc tế về không can thiệp nội bộ của nước khác.
Cụ thể là vào ngày 16/10/2020, trên tài khoản mạng xã hội Twitter, bà Barbel Kofler - Đặc ủy Nhân quyền của Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng: “Bà quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Việt Nam bắt giam nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Phạm Đoan Trang. Đồng thời kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam bảo vệ quyền tự do bày tỏ chính kiến, được bảo đảm bởi Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế”. Đây là hành động hết sức lố bịch, cho thấy cái nhìn phiến diện của bà Barbel Kofler - Đặc ủy Nhân quyền của Cộng hòa Liên bang Đức về hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của Blogger Phạm Đoan Trang.
Hành động của bà Barbel Kofler - Đặc ủy Nhân quyền của Cộng hòa Liên bang Đức đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, được quy định cụ thể trong khoản 7, Điều 2 Hiến chương Liên Hợp quốc. Theo đó, Hiến chương Liên Hợp quốc đã khẳng định: “Hiến chương này hoàn toàn không cho phép Liên Hợp quốc được can thiệp vào các công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, không đòi hỏi các thành viên của Liên Hợp quốc phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương…”. Trong đó, công việc nội bộ của mỗi quốc gia được hiểu là công việc nằm trong thẩm quyền giải quyết của mỗi quốc gia độc lập xuất phát từ chủ quyền của mình, đó là quyền tối thượng của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình (như: quyền tự do lựa chọn, tự do xây dựng và phát triển chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội phù hợp với nguyện vọng của nhân dân; quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp...) và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế (như: quyền độc lập thiết lập mối quan hệ với bất kỳ quốc gia nào, quyền tự do tham gia vào các tổ chức quốc tế khu vực và phổ cập...).
Đồng thời, nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước” cũng không cho phép bất kỳ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo, dù văn minh hay lạc hậu được quyền can thiệp vào các lĩnh vực thuộc thẩm quyền riêng biệt của mỗi quốc gia, xuất phát từ chủ quyền của mình như: Cấm can thiệp vũ trang và các hình thức can thiệp hoặc đe dọa can thiệp khác nhằm chống lại chủ quyền, nền tảng chính trị, văn hóa-xã hội của quốc gia; Cấm dùng các biện pháp kinh tế, chính trị và các biện pháp khác để bắt buộc quốc gia khác phụ thuộc vào mình; Cấm tổ chức, khuyến khích các phần tử phá hoại hoặc khủng bố nhằm lật đổ chính quyền của quốc gia khác; Cấm can thiệp vào cuộc đấu tranh nội bộ của quốc gia khác; Tôn trọng quyền của mỗi quốc gia tự do lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội không có sự can thiệp từ phía các quốc gia khác.
Có thể thấy rằng, Hành động của bà Barbel Kofler - Đặc ủy Nhân quyền của Cộng hòa Liên bang Đức kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho Phạm Đoan Trang đã thể hiện cái nhìn chủ quan, không đúng với thực trạng vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, tạo điều kiện cho các đối tượng phản động lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Thiết nghĩ, thời gian tới, đặc ủy nhân quyền của Cộng hòa Liên bang Đức cần thận trọng hơn trong phát ngôn của mình, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng để chống phá chính quyền nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét