Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

BỘ ĐỘI, DÂN QUÂN VƯỢT NÚI, BĂNG RỪNG ĐỂ GÙI HÀNG CỨU TRỢ CHO NGƯỜI DÂN BỊ CÔ LẬP

 Trưa 31-10, 100 tấn gạo trong kho dự trữ quốc gia đã được xe của Cục Dự trữ nhà nước khu vực Đà Nẵng vận chuyển lên bàn giao cho huyện Phước Sơn. Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại Huyện đội Phước Sơn quyết định dùng tời để đưa thực phẩm vượt sông, sau đó dùng sức người cõng, gùi hàng ứng cứu cho vùng bị cô lập.

Huyện đội Phước Sơn đã đề xuất tổ chức lực lượng thành 5 trung đội tại 5 xã Phước Chánh, Phước Kim, Phước Thành, Phước Công, Phước Lộc, mỗi trung đội 30 người. Lực lượng này sẽ cõng lương thực, thực phẩm tiếp tế vào các khu vực cô lập.
Tại một số nơi, sẽ dùng cáp treo để chuyển hàng hóa vào. Dự kiến trong hôm nay lực lượng của xã Phước Chánh được điều động lên xã Phước Công hỗ trợ gùi lương thực vào đến cầu Nước Mắt và dùng cáp kéo sang tiếp tế xã Phước Lộc.
Ở hướng xã Phước Thành, trung đội cơ động của bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng đã hành quân vào xã Phước Kim từ chiều qua để hôm nay phối hợp cùng lực lượng địa phương gùi hàng tiếp tế cho xã Phước Thành.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam - thống nhất phương án dùng tời đưa hàng qua sông nối xã Phước Công vào xã Phước Lộc.
Trước mắt sử dụng lực lượng địa phương để tham gia công tác này vì các điểm sạt lở rất nguy hiểm, lực lượng tại chỗ am hiểu địa bàn. Sau đó, nếu cần sẽ huy động bộ đội chính quy hỗ trợ.
Thượng tá Lê Trung Thành - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - xác định đường tiếp tế lương thực, thực phẩm chính cho người dân hiện nay là đường bộ từ hướng xã Phước Công sang xã Phước Lộc.
Để làm được việc này, lực lượng công binh của tỉnh và Quân khu 5 sẽ triển khai khảo sát và xử lý sạt lở đường dẫn vào xã Phước Lộc.
Về việc vận chuyển tiếp tế bằng đường bộ, ông Thành yêu cầu tổ chức vận chuyển theo chặng ngắn để bảo đảm sức khỏe và thông tin liên lạc giữa các chặng với nhau. Hệ thống liên lạc phải dùng bộ đàm vì sóng điện thoại rất yếu. Lực lượng dân phòng địa phương am hiểu về đường đi, các điểm sạt lở nên sẽ đi những chuyến đầu, cắm cờ tại các điểm nguy hiểm, chuẩn bị sẵn dây cáp, ròng rọc để dân quân kéo hàng qua các điểm nguy hiểm. Sau khi đường đi an toàn sẽ tiếp tục huy động lực lượng bộ đội hành quân qua để tiếp cận, cứu trợ đồng bào vùng bị chia cắt.
TRONG THỜI GIAN QUA, VIỆC TIẾP CẬN CỨU HỘ CÁC NẠN NHÂN TẠI VÙNG LŨ LỤT GẶP RẤT NHIỀU KHÓ KHĂN. CÂU HỎI NHIỀU NGƯỜI THẮC MẮC LÀ SAO KHÔNG DÙNG MÁY BAY CỨU HỘ?
Về phương án sử dụng máy bay cứu hộ tiếp tế lương thực, thực phẩm, Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng phòng quân huấn, Sư đoàn Không quân 372 giải thích trên TTXVN: Hiện hàng hóa và máy bay đã được chuẩn bị sẵn tại sân bay Đà Nẵng. Từ sân bay Đà Nẵng tới khu vực trên chưa đầy 40 phút, không quân sẵn sàng bay từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Nhưng thời tiết mưa to, gió lớn, địa hình hiểm trở sẽ chưa thể bay vì không an toàn.
"Mỗi lần vận chuyển hàng cả đi và về hơn một giờ, không hạn chế số lần bay từ 7h đến 17h hàng ngày", ông Hùng nói và cho biết mỗi chuyến bay có thể chở hơn một tấn hàng tiếp tế cho dân.
Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, hiện là trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn khẳng định: Khi thời tiết thuận lợi thì việc cứu trợ bằng máy bay là rất cần thiết, sẽ là nguồn cứu trợ chính, còn hiện tại thì phải theo phương án gùi cõng hàng hóa bằng đường mòn vượt núi.
Thời chiến, dân công gùi gạo, nhu yếu phẩm băng rừng lội suối dưới mưa bom bão đạn ra tiền tuyến để nuôi bộ đội, đánh thắng quân thù. Thời bình, bộ đội, dân quân gùi gạo tiếp tế cho đồng bào bị chia cắt, cô lập, không để cho bà con bị đói rét.
Trong hoạn nạn nhưng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Tự hào là người Việt Nam, không một ai bị bỏ lại phía sau.
PS: Những lúc thế này chúng ta lại nhớ đến những gã cào phím yêu nước, các nhà dân chủ bờ hồ!
————
Ảnh : Thời sự VTV
Theo: Tuổi trẻ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét