Nói về phe nhóm trong chánh trị thì tôi nói thế này: Chả có ở đâu người ta làm chánh trị mà không có phe nhóm cả. Hình thành phe nhóm là một xu hướng tất yếu và tự nhiên giữa những người có chung và không chung xu hướng, quan điểm cũng như lợi ích. Không cùng xu hướng, quan điểm và lợi ích thì hình thành các phe nhóm khác nhau, thậm chí là đối lập nhau. Khi xã hội loài người còn giai cấp và còn Nhà nước thì sẽ vẫn còn phe nhóm trong chánh trị; quan trọng là mục tiêu và lợi ích của mỗi phe nhóm ấy là gì, có phải vì đại chúng hay là chỉ vì nội bộ phe nhóm họ. Thật nực cười cho những ai vẫn đang cho rằng chỉ có ở xứ Cộng sản mới có phe nhóm và đấu đá giữa các phe nhóm chánh trị. Bọn này chắc ngẫn, bị nhồi sọ hoặc vì gì đó mà phải cố hiểu và nói ra như thế...
Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020
VỀ ĐẤU TRANH PHE NHÓM TRONG ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ
Đã là vấn đề có tính tất yếu thì đương nhiên ở Việt Nam cũng có phe nhóm chính trị. Xưa, việc tồn tại nhiều đảng phái chính trị bên cạnh anh em Cộng sản như Đảng Dân Chủ, Đảng Xã hội, Đảng Quốc dân... ấy đều là biểu hiện cụ thể của phe nhóm chính trị. Tất nhiên, những đảng phái kia dù đã tuyên bố tự giải thể và không tham gia chính trường nữa nhưng những tàn dư của nó vẫn còn, biểu hiện là những tư tưởng, quan điểm của họ vẫn tồn tại, được duy trì và tiếp tục khen nhóm tìm cơ hội khẳng định thông qua lời nói và hành động của giới "đấu tranh dân chủ", "cấp tiến" thời gian qua. Ấy cũng vẫn là biểu hiện của phe nhóm chính trị, chỉ có điều nó chưa đủ và chắc chắn tự thân nó sẽ không thể đủ thế và lực để trở thành lực lượng đối trọng với lực lượng cầm quyền lãnh đạo xã hội hiện nay là Đảng Cộng sản, ít nhất là trong vòng 100 năm nữa...
Trong nội bộ hàng ngũ những người Cộng sản cũng không phải không có phe nhóm. Anh nào nói rằng Cộng sản không có phe nhóm thì ấy là biểu hiện của sự cực đoan, giáo điều và chủ quan, duy ý chí, tất nhiên thiển cận. Quốc tế Cộng sản còn sinh ra Quốc tế 1, 2, 3 và cả 4 nữa kia mà - ấy là sự phân hóa do khác nhau về nhận thức cũng như đường lối, phương pháp cách mạng dù mục tiêu chung của họ đều là hướng tới giải phóng giai cấp, giải phóng con người và xây dựng xã hội CSCN. Ở Việt Nam cũng vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập của Đảng Cộng sản cũng đã hình thành những tư duy khác nhau về đường lối và phương pháp cách mạng, hình thành các tổ chức Đảng khác nhau dù vẫn cùng một lý tưởng và chung mục tiêu giải phóng dân tộc. Việc quy tụ họ lại đứng chung trong một tổ chức duy nhất ấy không phải là người ta đã xóa bỏ được hết những điểm khác biệt mà đó là cái tài của người thủ lĩnh, biết dẫn dắt những người khác biệt ấy cùng nhìn chung về một hướng gọi là mục tiêu đại cục mà dung hòa những khác biệt về phương pháp, cách thức để đạt được mục tiêu ấy.
Nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có phe nhóm hay không? Chắc chắn có, nhưng mà nó là phe nhóm gì, biểu hiện ra như thế nào... Sự khác biệt về quan điểm trong đảng viên về đường lối đối nội, đối ngoại như kiểu thân nước này, bài nước nọ... là có nhưng đó chỉ là những quan điểm cá nhân chứ không phải là biểu hiện của phe nhóm và nó được dung hòa, giải quyết bằng những đường lối rất rõ ràng rằng "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế" cũng như chính sách "3 không" trong quan hệ đối ngoại quốc phòng (đoạn này anh Vịnh có lần nói là 3 không đã chuyển thành 4 không, Cụ sẽ ngâm cứu thêm).
Một biểu hiện phe nhóm trong đời sống chính trị, xã hội ở Việt Nam hiện nay (không phải chỉ riêng trong nội bộ Đảng Cộng sản) ấy là phe nhóm về lợi ích kinh tế, tài chính, tiền tệ. Người ta (gồm cả trong và ngoài đảng) tìm cách dùng tiền tệ, lợi ích kinh tế trong đó có cả tìm cách đầu cơ chính trị (tìm cách để mình hoặc người có quan hệ có được vị trí trong hệ thống chính trị, hệ thống quản lý nhà nước nhằm có thể tác động, gây ảnh hưởng, hướng lái hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội theo hướng có lợi cho họ để đạt được những lợi ích lớn hơn. Biểu hiện này thể hiện khá rõ nét trong những năm qua mà được những nhà lãnh đạo đảng cầm quyền chỉ mặt, đặt tên là "lợi ích nhóm". Nó không phải là phe nhóm mang tính đảng và tôi không gọi nó là sự chia phe nhóm trong Đảng của họ.
Nếu nói rằng có sự đấu tranh phe nhóm trọng nội bộ Đảng Cộng sản hiện nay thì chỉ có thể là sự đấu tranh của những người còn giữ được phẩm chất và lý tưởng cách mạng Cộng sản với những người suy thoái phẩm chất, đạo đức, phai nhạt lý tưởng hay nói cách khác là những người không còn giữ được chất Cộng sản. Biểu hiện của sự suy thoái ấy là tham ô, tham nhũng, thay đổi lập trường chính trị... Gọi cho đúng thuật ngữ khoa học thì đó không phải là "đấu đá" hay "thanh trừng" nội bộ nhằm giành giật lợi ích mà là "sự đấu tranh" để loại bỏ những mầm mống xấu, bảo vệ, giữ gìn và tiếp tục phát triển những mặt tích cực, tính cách mạng trong Đảng, để Đảng của họ có đủ sức mạnh tiếp tục thực hiện sứ mệnh. Sự đấu tranh này tuân theo quy luật tất yếu của sự vận động và phát triển trong tự nhiên, xã hội.
Nhìn vào thực tế của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại có thể thấy công cuộc đấu tranh của lực lượng (tạm gọi là) đảng viên chân chính do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã và đang giành thế thượng phong trước những kẻ suy thoái, bè cánh tham ô, tham nhũng... Điều này được giới quan sát chính trị quốc tế đánh giá rất cao cả về tính quyết liệt, tính minh bạch và kết quả. Sự đấu tranh ấy như là một quá trình tự làm mới (refresh) chính mình của Đảng Cộng sản. Khi quá trình đấu tranh này kết thúc thành công, Đảng Cộng sản sẽ như được tái sinh với cơ thể tráng kiện của kẻ thanh niên nhưng lại mang trí tuệ và kinh nghiệm của kẻ sĩ phu "tri thiên mệnh" và lão luyện kinh nghiệm...
Nói gì nói, tôi chê anh em nào làm ảnh tuyên truyền như dưới đây. Hehe, đâu phải búa liềm nào cũng là biểu tượng của Đảng Cộng sản Việt Nam, có phỏng?
(Cụ Tổng Cam)
Ps: Tút được gõ lúc mới say dậy; đúc rút từ gần 20 năm bán cam gần cổng trường Đảng, tất nhiên nghe lỏm mà thẩm thấu...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét