Nghe những lùm xùm về câu chuyện cho tiền từ thiện mà tôi thấy buồn rười rượi. Tôi lại sực nhớ cái thời cắp sách tới trường trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, nhân dân phải ăn bo bo, khoai sắn, vừa chống Mỹ, vừa chống bão lũ, thiên tai thế này, chúng tôi đã từng được học bài thơ Tiếng ru của nhà thơ Tố Hữu, đã từng được nghe những bà, những mẹ ru con ầu ơ trong tiếng ru thổn thức. Không biết nó có còn nữa hay không trong những trang sách học đường? Nhưng âm hưởng, cảm xúc ấy lại làm cho lòng người xích lại, nhân dân dù khó khăn nhưng biết chia ngọt sẻ bùi, đoàn kết với nhau cùng Đảng, Nhà nước vượt qua bao hoạn nạn, gian nan thử thách chiến thắng kẻ thù. Hôm nay đây, đọc lại những gì từ cảm xúc của Tố Hữu, không ai không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về thiên tai bão lũ của miền Trung... Nguyên văn bài thơ:
Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020
ĐỌC BÀI THƠ "LỜI RU" TÔI LẠI NGHĨ ĐẾN HỌ
"Con ong làm mật, yêu hoa
Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời
Con người muốn sống, con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng
Một người - đâu phải nhân gian
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!
Núi cao bởi có đất bồi
Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?
Muôn dòng sông đổ biển sâu
Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?
Tre già yêu lấy măng non
Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày
Mai sau con lớn hơn thày
Các con ôm cả hai tay đất tròn."
Bài thơ đề cập đến những con ong, con cá, con chim, cây tre, sông, biển ... trong mối quan hệ, gắn kết với môi trường sống, với con người, với nhân gian. Cái triết lí ở bài thơ là:
Ong thì phải yêu hoa, cá phải yêu nước, chim phải yêu trời. Một thân lúa chín chẳng thể làm nên mùa vàng bội thu, một người không thể tạo thành nhân gian. Một giọt nước không thể làm nên biển cả vì nó quá nhỏ bé, nhưng tỉ tỉ giọt nước từ trăm sông ngàn suối tuôn chảy về cùng một hướng sẽ tạo nên biển cả mênh mông.
Con người cũng vậy, không ai có thể sống một mình vì phải cần đến rất nhiều quan hệ với thế giới xung quanh. Miếng cơm ta ăn do người nông dân dầm sương dãi nắng, đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra. Tấm áo ta mặc, một cuốc sách, cây bút, đôi dép ta mang và bao vật dụng khác là do công sức của hàng triệu công nhân miệt mài ngày đêm trong các nhà máy xí nghiệp sản xuất để phục vụ đời sống của con người. Trong nhà trường, thầy cô giáo không quản ngại những khó nhọc gian lao để truyền dạy kiến thức và giáo dục đạo lý cho học sinh... Vì thế, một cá nhân, một hành động không thể bao trùm, quyết định được tất cả.
Hiểu rõ đạo lý đó mà trong những ngày qua, trước thảm họa thiên tai ở miền Trung lại có những con người lặng lẽ làm từ thiện bằng cả tấm lòng cao đẹp. Họ không phô trương, không ồn ào, cũng không vì đồng tiền mà làm chia rẽ tinh thần đoàn kết trong nhân dân, họ không làm cho con phải so bì cha, chú phải so bì bác, anh so bì em, nhân dân so bì cán bộ mà ngược lại, mỗi đồng tiền, phần quà họ trao cho người dân trong ấm ngoài êm chẳng kẻ nào xiên xỏ được, họ càng làm cho truyền thống dân tộc nâng lên tầm cao mới, thể hiện sâu sắc sự gắn kết nhân dân với Đảng, Nhà nước, đoàn thể mặt trận trong gian nan thử thách. Đó là một Phạm Nhật Vượng, một gia đình Tiên Nguyễn, một Nghệ sĩ Quyền Linh - những tên tuổi đẹp nhất về tấm lòng từ thiện, đẹp như những lời ru của Tố Hữu giữa lúc đất nước lâm vào thiên tai, dịch bệnh.
Có lẽ những con người như anh Phạm Nhật Vượng hay gia đình Tiên Nguyễn, Nghệ sĩ Quyền Linh, họ đã thấm sâu ngàn thước về lời ru của mẹ, của bà, về về Tổ quốc, nhân dân, về truyền thống dân tộc, cốt cách người Việt Nam mà nhà thơ - người Cộng sản Nguyễn Kim Thành đã gửi gắm cho dân tộc, nhân dân về triết lý nhân sinh trong mỗi lần thiên tai dịch bệnh, không như ai đó, cũng vì mấy đồng tiền từ thiện, hoặc là cố tình, hoặc là không biết cách làm, không có tầm hoặc thiếu tư duy về từ thiện mấy ngày qua đã làm vấy bẩn lên truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam bao đời nay.
Đọc bài thơ "Lời ru" của Tố Hữu tôi lại nhớ đến họ - những con người đẹp như những lời ru về tấm lòng từ thiện và những con người đi từ thiện lại làm xấu mặt nhân dân.
Hình ảnh đẹp về Nghệ sĩ Quyền Linh:
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét